Gấp rút cải tiến vắc-xin Covid-19 chống biến thể mới
Các nhà sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới đang gấp rút tìm hiểu và cải tiến vắc-xin Covid-19 nhằm chống lại biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Hãng dược Pfizer và BioNTech cho biết họ đang nghiên cứu biến thể mới Omicron, còn được gọi là B.1.1.529 và có thể điều chỉnh vắc-xin của họ một cách nhanh chóng trong trường hợp cần thiết. Các hãng sản xuất vắc-xin đã có phản ứng ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 26-11 thông báo biến thể mới, có tên Omicron, là một "biến thể đáng lo ngại" có thể gây ra nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó.
Pfizer và BioNTech cho hay họ hy vọng sẽ có thêm dữ liệu từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chậm nhất là 2 tuần. Những dữ liệu này sẽ cung cấp thêm thông tin về việc liệu biến thể Omicron có khả năng "tránh né" vắc-xin hay không và cân nhắc cải tiến vắc-xin nếu biến thể này lan rộng trên toàn cầu. Theo đài CNBC, Pfizer và BioNTech có thể điều chỉnh vắc-xin công nghệ mRNA trong vòng 6 tuần và phân phối các lô vắc-xin đầu tiên trong vòng 100 ngày nếu xác định được biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin.
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục khởi hành tại sân bay quốc tế ở TP Johannesburg - Nam Phi hôm 26-11 Ảnh: REUTERS
Không nằm ngoài cuộc đua, hãng Johnson & Johnson hôm 26-11 thông báo đang thử nghiệm vắc-xin chống lại biến thể Omicron. Công ty Dược phẩm AstraZeneca cho hay đang kiểm tra tác động của biến thể Omicron với vắc-xin và hỗn hợp kháng thể đơn dòng do công ty này phát triển. AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm xuất hiện biến thể mới là Botswana và Eswatini. Hãng Moderna cho biết đang nỗ lực cải thiện liều vắc-xin tăng cường tập trung vào biến thể Omicron. Liều tăng cường này đang được thử nghiệm với liều cao hơn so với liều tăng cường hiện tại. Công ty cũng nghiên cứu các ứng viên vắc-xin tăng cường khác với khả năng bảo vệ trước nhiều biến thể.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây báo động trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia vội vã dừng các hoạt động du lịch từ miền Nam châu Phi và thị trường chứng khoán ở hai bờ Đại Tây Dương bị sụt giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua. Các nhà dịch tễ học cảnh báo việc hạn chế du lịch có thể đã quá muộn để ngăn chặn Omicron lây lan trên toàn cầu. |
Biến thể mới lần đầu được phát hiện ở Nam Phi và sau đó đã xuất hiện ở Bỉ, Botswana, Israel và Hồng Kông - Trung Quốc. Những lo ngại về mức độ nguy hiểm của biến thể mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, đặc biệt là cổ phiếu của các hãng hàng không, lĩnh vực du lịch và giá dầu. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên hôm 26-11 giảm 2,5%, đây được xem là ngày giảm điểm tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 10-2020 và chứng khoán châu Âu cũng có ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 17 tháng qua. Thị trường chứng khoán châu Á chịu ảnh hưởng mạnh trong phiên hôm 26-11, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) và chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông đều giảm hơn 2%.
Tuy kết quả đánh giá rủi ro về biến thể mới phải chờ thêm vài tuần nữa nhưng nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đã đình chỉ các chuyến bay từ miền Nam châu Phi để ngăn sự lây lan của biến thể này. Tại Mỹ, dù chưa ghi nhận ca mắc biến thể mới nào nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt hạn chế đi lại đối với những ai không phải là công dân Mỹ đến từ Nam Phi và 7 quốc gia khác trong khu vực, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, có hiệu lực từ ngày 29-11.
Phản ứng trước quyết định "cấm cửa" của nhiều nước, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla hôm 26-11 cho rằng lệnh cấm vi phạm các quy định và tiêu chuẩn của WHO, đồng thời kêu gọi các bên hợp tác cùng nhau giải quyết tình hình chứ không phải đổ lỗi cho nhau.
Trong khi Mỹ và phương Tây bị cho là đang “thổi phồng” mối nguy về Omicron, Nam Phi – một trong những quốc gia đầu tiên...
Nguồn: [Link nguồn]