Gặp cú sốc lớn, kinh tế thế giới đứng trước cảnh báo suy thoái
Thị trường chứng khoán toàn cầu những ngày qua lao dốc mạnh sau đòn thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu những ngày qua chứng kiến đợt lao dốc mạnh sau đòn áp thuế đối ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ông Trump ngày 6-4 khẳng định sẽ không lùi bước liên quan đến chính sách thuế đối ứng.
Trong bối cảnh này, chuyên gia và các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về những diễn biến sắp tới trên TTCK toàn cầu, đồng thời trông đợi vào phản ứng tiếp theo của chính quyền Mỹ.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm mạnh vào ngày 7-4. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Khó phục hồi trong thời gian ngắn
Nhà kinh tế David Seif tại Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura (Nhật) dự đoán TTCK sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, theo tờ The Guardian.
“Trong những đợt bán tháo kiểu này, tâm lý hoảng loạn và việc nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu do bị yêu cầu nạp thêm tiền ký quỹ có thể khiến thị trường tiếp tục lao dốc trong một thời gian. Tôi nghĩ đà lao dốc sau đó có thể trở thành một phản ứng dây chuyền khó kiểm soát. Tóm lại, tôi không chắc khi nào thị trường sẽ chạm đáy nhưng tôi không nghĩ chứng khoán sẽ quay lại mức trước ngày 2-4 trong thời gian gần” - ông Seif nhận định.
Bà Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của bộ phận quản lý tài sản tại Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, nói rằng bà không thấy có yếu tố nào đủ sức tạo ra một đợt tăng giá mạnh trong thời gian tới. Bà dẫn chứng rằng với lạm phát vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có khả năng hạ lãi suất sớm và nhóm cổ phiếu “Bảy kỳ quan” (Magnificent Seven) không còn dẫn dắt thị trường như trước.
Deutsche Bank chỉ ra rằng việc ông Trump công bố thuế đối ứng hồi tuần trước đã dẫn đến đợt lao dốc thị trường tồi tệ thứ tư kể từ Thế chiến II.
Ông Tony Sycamore, một nhà phân tích thị trường tại IG ở Sydney (Úc), nhận định rằng: “Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong sáng 7-4. Nếu không có một sự thay đổi trong các thông báo (từ phía Mỹ), chúng ta sẽ gặp phải tình trạng thiếu thanh khoản trong thị trường và dòng tiền sẽ bị rút đi mạnh mẽ, ảnh hưởng đến tất cả loại tài sản”.
Ông Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tài chính JPMorgan, cho rằng nếu chính sách thuế quan tiếp tục, nó có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và xác suất suy thoái hiện tại là 60%.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng sự gia tăng thuế quan có thể khiến các công ty phải đối mặt với áp lực lớn, buộc họ hoặc tăng giá sản phẩm hoặc giảm lợi nhuận. Một trong những phản ứng rõ rệt của thị trường là sự giảm giá mạnh của chỉ số chứng khoán như đã đề cập. Thêm vào đó, đồng USD hiện đã giảm giá so với các đồng tiền khác như đồng yen Nhật và euro, do các nhà đầu tư chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu, theo hãng tin Reuters.
Ngoài ra, các chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng và các chuyên gia cho rằng thuế đối ứng có thể sẽ đẩy giá cả tăng mạnh, đặc biệt là trong các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và ô tô. Điều này có thể làm giảm tỉ suất lợi nhuận của các công ty trong bối cảnh mùa báo cáo thu nhập sắp bắt đầu.
Tối 6-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ không lùi bước liên quan đến chính sách thuế đối ứng, bất chấp tình hình các TTCK tiếp tục lao dốc, theo đài CNN. Tổng thống Trump cho biết không muốn các thị trường toàn cầu lao dốc nhưng cũng không lo lắng về đợt bán tháo lớn này. “Đôi khi bạn phải dùng thuốc để chữa trị một vấn đề” - ông Trump khẳng định. |
Chờ phản ứng tiếp theo của Mỹ
Ngày 7-4, Deutsche Bank - tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất của Đức cho rằng việc thị trường cần làm là theo dõi động thái của chính quyền Mỹ trong vài ngày tới. “Hiếm khi nếu không muốn nói là chưa từng có rằng vài ngày tới sẽ cực kỳ quan trọng” - Deutsche Bank cảnh báo khách hàng.
Trong một báo cáo nghiên cứu mới, Deutsche Bank chỉ ra rằng việc ông Trump công bố thuế đối ứng hồi tuần trước đã dẫn đến đợt lao dốc thị trường tồi tệ thứ tư kể từ Thế chiến II - chỉ sau cuộc khủng hoảng năm 1987, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đợt hoảng loạn ban đầu vì dịch COVID-19.
Deutsche Bank nhấn mạnh rằng cần theo dõi liệu chính quyền Mỹ có tìm cách “thoát hiểm một cách êm đẹp hay sẽ tiếp tục đi đến cùng” với chính sách thương mại này.
“Điều này là then chốt, bởi nó sẽ quyết định nhiều thứ vượt xa phạm vi thương mại. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới, trong tất cả lĩnh vực quan trọng gồm quốc phòng, địa chính trị và trật tự thế giới đa phương dựa trên luật lệ. Vì vậy, diễn biến thương mại từ thời điểm này sẽ chi phối tất cả điều khác” - theo báo cáo của ngân hàng.
Nhiều nước tìm cách ổn định thị trường Sáng 7-4, Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Washington giảm thuế đối ứng đối với hàng hóa Nhật nhưng thừa nhận “kết quả sẽ không thể đến trong một sớm một chiều”. Theo ông Ishiba, chính phủ cần tận dụng mọi công cụ hiện có nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ đòn áp thuế đối ứng của Mỹ, bao gồm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong nước và triển khai các biện pháp bảo vệ việc làm. Cùng ngày, Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp tới 100.000 tỉ won (tương đương 68,12 tỉ USD) trong các khoản tín dụng khẩn cấp và các biện pháp ổn định thị trường khác cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đòn thuế đối ứng của Mỹ. Ông Kim Byoung-hwan, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC), yêu cầu các tập đoàn tài chính lớn ở Hàn Quốc (gồm KB, Shinhan, Hana, Woori và NH NongHyup) đóng vai trò chủ động trong việc cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, FSC đã triển khai hệ thống giám sát 24/7 để phát hiện và ứng phó với sự biến động của thị trường, cam kết can thiệp nếu cần thiết để giảm thiểu các gián đoạn. |
Đêm 6-4, tỉ phú đầu tư Mỹ Bill Ackman đã kêu gọi Tổng thống Trump tạm dừng việc áp thuế đối ứng lên toàn cầu. Vị tỉ phú viết trên mạng xã hội X rằng nếu Mỹ thực hiện kế hoạch áp thuế đối ứng mới đối với nhiều đối tác thương mại vào ngày 9-4 như dự kiến, điều đó sẽ là một “cuộc chiến tranh hạt nhân kinh tế”.
Ông Ackman cho rằng Tổng thống Trump có cơ hội tuyên bố tạm dừng 90 ngày, đàm phán lại và giải quyết các thỏa thuận thuế quan bất công và bất đối xứng, từ đó thu hút hàng ngàn tỉ USD đầu tư mới vào nước Mỹ.
Đồng quan điểm, ông Aninda Mitr, Trưởng chiến lược vĩ mô khu vực châu Á, Viện đầu tư BNY (Singapore), chia sẻ: “Trong bối cảnh này, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong tương lai theo hướng giảm nhẹ thuế song phương hoặc một gói kích thích tài khóa lớn hơn kỳ vọng từ Mỹ, hay việc Fed xoay trục chính sách nhanh hơn dự đoán, đều có thể phần nào giảm bớt các lực cản hiện tại”.•
Chứng khoán toàn cầu đỏ rực Sáng 7-4, các chỉ số chứng khoán ở Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc)... đồng loạt giảm mạnh, được cho là chịu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc rơi hơn 4,8% ngay khi mở cửa. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,5% khi mở cửa và tiếp tục lao xuống mức giảm 6,7%. Chỉ số blue-chip CSI300 mất tới 7,5%. Ở Hong Kong, chỉ số Hang Seng mở cửa với mức giảm hơn 9%. Thị trường Đài Loan cũng không thoát khỏi cơn bão. Chỉ số Taiex sụt hơn 9,7% ngay khi bắt đầu giao dịch. Tại Ấn Độ, chỉ số Nifty và Sensex lần lượt giảm 3,91% và 3,65% lúc 10 giờ 50 ngày 7-4. Thị trường New Zealand cũng chìm trong sắc đỏ với chỉ số NZX 50 giảm hơn 3,5%. Chứng khoán Úc cũng giảm mạnh với hơn 160 tỉ USD bị xóa sổ trong phiên giao dịch đầu vào sáng 7-4. Theo CNBC, TTCK châu Âu lao dốc mạnh khi mở phiên sáng 7-4, làm trầm trọng thêm đợt bán tháo toàn cầu hiện tại. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 6% ngay sau khi mở cửa với tất cả ngành và sàn giao dịch lớn đều chịu tổn thất đáng kể. Chỉ số DAX của Đức giảm hơn 9,5% trong phiên giao dịch đầu ngày. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,4% ngay khi mở phiên và sau đó tiếp tục giảm mạnh gần 6%. Tối 6-4 (giờ địa phương), chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau hai phiên bán tháo liên tiếp khiến thị trường mất hơn 5.400 tỉ USD giá trị. Triển vọng u ám về tăng trưởng toàn cầu cũng kéo giá dầu tiếp tục lao dốc. Dầu Brent giảm 2,12 USD, còn 63,46 USD/thùng; dầu WTI Mỹ mất 2,05 USD, xuống còn 59,94 USD/thùng. Ngay cả vàng cũng không nằm ngoài làn sóng bán tháo, giảm 0,7%, xuống còn 3.013 USD/ounce. Giá bitcoin cũng giảm 6%, xuống còn 77.730,03 USD. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế thêm nếu Trung Quốc không rút lại các biện pháp trả đũa thuế quan.
Nguồn: [Link nguồn]
-08/04/2025 05:30 AM (GMT+7)