Gần 20 xe bọc thép chủ lực NATO hỏng khi tập trận, Đức nói gì?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Đức nổi tiếng là quốc gia sản xuất trang thiết bị vũ khí hàng đầu với độ tin cậy cao, nhưng trong một cuộc tập trận gần đây, toàn bộ 18 xe bọc thép thế hệ mới đã bị hỏng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngồi trong một chiếc xe bọc thép Puma vào tháng 2/2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngồi trong một chiếc xe bọc thép Puma vào tháng 2/2022.

Chính phủ Đức ngày 19/12 thông báo ngừng mua thêm các xe bọc thép chiến đấu Puma sau sự cố hỏng hàng loạt trong một cuộc tập trận. Đây cũng là bước lùi lớn của Đức trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, theo báo Anh Guardian.

Puma là mẫu xe bọc thép chủ lực mà Đức đóng góp vào lực lượng phản ứng nhanh của NATO. Lực lượng này dự kiến sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu từ tháng 1/2023.

Trong một cuộc tập trận gần đây, tướng Ruprecht von Butler, chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 10 của quân đội Đức, nói toàn bộ 18 xe bọc thép Puma của đơn vị đã bị hỏng trong một cuộc diễn tập và không thể tiếp tục tham gia các hoạt động quân sự. Tướng Butler mô tả đây là "thất bại toàn diện".

Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định Berlin vẫn là đối tác tin cậy của NATO. "NATO và các đồng minh có thể tin tưởng 100% vào cam kết của Đức", bà Lambrecht nói ngày 19/12, trong chuyến thăm Slovakia.

"Việc các xe bọc thép Puma hỏng hàng loạt là bước lùi lớn", bà Lambrecht thừa nhận.

Đức từ lâu nổi tiếng là quốc gia có trình độ cơ khí hàng đầu, các sản phẩm quân sự, xe hơi mà Đức sản xuất luôn có công nghệ đi đầu và độ tin cậy cao.

Bà Lambrecht nói đã yêu cầu Bộ Quốc phòng mở cuộc điều tra nguyên nhân. "Cho đến khi dòng xe bọc thép này hoạt động ổn định trở lại, chính phủ sẽ không đặt mua thêm", bà nhấn mạnh.

"Quân đội của chúng ta phải có khả năng dựa vào các hệ thống vũ khí mạnh mẽ và ổn định trong chiến đấu", bà Lambrecht nói thêm.

Bà Lambrecht nói Đức tạm thời sẽ đóng góp xe bọc thép Marder đời cũ hơn vào lực lượng phản ứng nhanh của NATO, thay vì các xe Puma thế hệ mới.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết, việc "đánh giá thiệt hại" đang diễn ra nhanh chóng, đồng thời xác nhận "tỷ lệ hỏng hóc cao bất thường" với dòng xe bọc thép Puma.

Mỗi xe bọc thép Puma có giá khoảng 17 triệu USD, được trang bị một pháo chính cỡ 30mm, một súng máy cỡ 5,56mm hoặc 7,62mm, một tên lửa chống tăng Spike và một súng phóng lựu cỡ 76mm. Mẫu xe này có tốc độ di chuyển tối đa 70km/giờ, tầm hoạt động 600km.

Hồi đầu năm nay, Đức đã thông báo chi 100 tỉ euro để hiện đại hóa quân đội trước các thách thức tiềm tàng liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất lợi của Ukraine khi chuyển pháo hạng nặng cả ngàn km đến các nước NATO để bảo trì

Ukraine phải di chuyển các khẩu pháo hạng nặng cả ngàn km từ chiến trường để đưa đến bảo dưỡng trên lãnh thổ của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Guardian ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN