Gần 100 triệu người TQ được cung cấp nước uống có hóa chất độc hại 

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nước uống cung cấp cho gần 100 triệu người Trung Quốc có hàm lượng hóa chất độc hại vượt giới hạn an toàn. 

Nước sông bị ô nhiễm ở miền đông Trung Quốc. Ảnh: AP

Nước sông bị ô nhiễm ở miền đông Trung Quốc. Ảnh: AP

Tờ SCMP hôm 16/1 đưa tin, nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã theo dõi mức độ của PFAS - hóa chất vĩnh cửu được sử dụng làm thuốc tẩy, thuốc trừ sâu, đồ chống dính... - sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu trước đó. 

Bằng cách phân tích dữ liệu từ 526 mẫu nước uống của 66 thành phố với tổng số dân là 450 triệu người, nghiên cứu của nhóm phát hiện, mẫu nước ở hơn 20% thành phố được nghiên cứu (16 trong số 66 thành phố được lấy mẫu) có nồng độ PFAS vượt ngưỡng an toàn. 

Trung Quốc không có tiêu chuẩn an toàn nước uống quốc gia, vì vậy, nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Đại học Thanh Hoa sử dụng các tiêu chuẩn của bang Vermont (Mỹ) để đối chiếu. 

Các thành phố Trung Quốc có nồng độ PFAS cao trong nước là Vô Tích, Hàng Châu, Tô Châu ở miền đông Trung Quốc và Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải đều ở mức an toàn. 

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Môi trường châu Âu hôm 5/1 và được đánh giá là nghiên cứu toàn diện đầu tiên xem xét về nồng độ PFAS trong nước uống của Trung Quốc. 

Nhìn chung, khu vực phía đông, nam và tây nam Trung Quốc có nồng độ PFAS trong nước cao hơn so với các khu vực khác. Nồng độ PFAS ở miền đông Trung Quốc cao gấp 2,6 lần so với miền bắc. Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, miền đông Trung Quốc là khu vực tập trung hoạt động công nghiệp và có mật độ dân số cao. 

Một nhà máy hóa chất bị giải tỏa ở khu vực dọc sông Dương Tử ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm trong khu vực. Ảnh: Tân Hoa xã

Một nhà máy hóa chất bị giải tỏa ở khu vực dọc sông Dương Tử ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm trong khu vực. Ảnh: Tân Hoa xã

Roland Weber, nhà tư vấn người Đức chuyên nêu ý kiến về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, một số loại PFAS nguy hiểm hơn các chất khác, đặc biệt là các hóa chất PFOA và PFOS - có liên quan tới nhiều nguy cơ sức khỏe. 

"Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu gần đây nhấn mạnh 4 loại PFAS, bao gồm cả PFOA và PFOS, là các hợp chất đặc biệt có vấn đề và đặt ra giới hạn dung nạp thấp - tức là một lượng hàng ngày được coi là an toàn khi dung nạp vào cơ thể", ông Weber nói. 

Nghiên cứu còn phát hiện nồng độ các hợp chất PFOA và PFOS có trong nước ở mức cao tại 3 thành phố của Trung Quốc ở lưu vực sông Dương Tử là Tự Cống, Cửu Giang và Liên Vân Cảng. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của các nhà máy hóa chất Fluorochemical và các ngành sử dụng nhiều PFAS, như sản xuất da, dệt và giấy. 

Ông Weber cho biết, cần phải đánh giá thêm độc tính đối với hàng nghìn dạng thức của hóa chất PFAS đang được sử dụng hàng ngày, vì vẫn còn nhiều rủi ro chưa biết đến. Các nhà khoa học đề nghị hạn chế dùng PFAS. 

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm PFAS và các vấn đề sức khỏe như tăng cholesterol và men gan, các vấn đề về khả năng sinh sản, ung thư thận, suy giảm miễn dịch và rối loạn tuyến giáp. 

PFAS có thể được tìm thấy trong vải dệt chống ố, bao bì thực phẩm chống thấm dầu mỡ, bọt chữa cháy, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm,và thuốc trừ sâu. 

 "Nhiều PFAS không bị phân hủy trong nhiều thế kỷ và lâu hơn, do đó nó còn được gọi với cái tên 'hóa chất vĩnh cửu'. Nếu sử dụng nước nhiễm PFAS để tưới tiêu, hóa chất này có thể ngấm vào cây trồng, thực phẩm và gia súc", ông Weber cảnh báo. 

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, 2 hóa chất PFOA và PFOS không phân hủy trong cơ thể người hoặc môi trường, và có thể tích tụ lại theo thời gian. Chúng được liệt kê trong phụ lục của Công ước Stockholm là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, có hại cho sức khỏe và môi trường. 

Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ hóa chất PFAS lớn nhất thế giới nhưng chưa có hướng dẫn về sự xuất hiện của hóa chất này trong nước uống. 

Trong các kế hoạch được công bố vào tháng 6, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cam kết sẽ đẩy mạnh việc giám sát các chất ô nhiễm mới xuất hiện trong nguồn nước. 

Ông Weber đề xuất rằng, Trung Quốc cần phải phân tích nước uống cũng như nước ngầm và các địa điểm ô nhiễm để hiểu được quy mô của vấn đề rồi sau đó lên kế hoạch giải quyết nó. 

"Châu Âu và Mỹ đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc giám sát và kiểm soát các địa điểm bị ô nhiễm PFAS và tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp mà Trung Quốc phải kiên quyết hành động, đưa ra các giới hạn sử dụng căn cứ vào nghiên cứu khoa học. Sau đó, họ cần làm sạch nguồn nước uống và kiểm soát khí thải từ các ngành công nghiệp", nhà tư vấn người Đức đề xuất. 

Khám phá xác ướp 600 năm tế thần, phát hiện chất độc như lời nguyền cổ

Câu chuyện về các xác ướp trong mộ cổ được yểm bùa bằng những lời nguyền chết chóc được coi là huyền thoại nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN