Gần 100 con cá voi tụ lại rồi mắc cạn, có hành vi lạ: Úc đưa ra quyết định đau lòng

Giới chức ở Tây Úc buộc phải đưa ra quyết định đau lòng khi nỗ lực suốt gần một ngày nhằm giải cứu hàng chục con cá voi mắc cạn không có kết quả.

Đàn cá voi hoa tiêu mắc cạn ở Úc hôm 25/7.

Đàn cá voi hoa tiêu mắc cạn ở Úc hôm 25/7.

Hôm 25/7, một đàn gồm khoảng 100 con cá voi hoa tiêu vây dài  được phát hiện mắc cạn tại bãi biển Cheynes ở khu vực phía nam bang Tây Úc.

Đến sáng ngày hôm sau, giới chức địa phương xác nhận có khoảng 51 con cá voi đã chết.

Video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chục con cá voi mắc cạn còn sống. Một số nằm nghiêng, số khác nằm ngửa. Chúng vẫy đuôi ở vùng nước nông. Một video khác cho thấy những con cá voi rúc vào nhau.

Khoảng 250 tình nguyện viên, bác sĩ thú y và các chuyên gia hải dương đã nỗ lực giải cứu, đưa 45 con cá voi còn sống trở về đại dương.

Tuy nhiên, giới chức đến từ cơ quan quản lý động vật hoang dã Tây Úc nói về sự bất lực khi những con cá voi được nhóm tình nguyện giải cứu lại quay về chỗ cũ. Các chuyên gia đưa ra kết luận rằng, giúp những con cá voi này chết một cách nhẹ nhàng là cách tốt nhất để "chấm dứt sự đau khổ kéo dài".

Peter Hartley, quan chức phụ trách bảo tồn động vật hoang dã Tây Úc, nói việc kết liễu những con cá voi còn sống là "một trong những quyết định khó khăn nhất" của ông trong 34 năm công tác.

250 tình nguyện viên, bác sĩ thú ý và các chuyên gia hải dương đã nỗ lực cứu cá voi nhưng bất thành.

250 tình nguyện viên, bác sĩ thú ý và các chuyên gia hải dương đã nỗ lực cứu cá voi nhưng bất thành.

"Thực sự rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định này", Hartley nói với các phóng viên hôm 25/7.

"Chúng tôi hiểu cá voi mắc cạn là hiện tượng tự nhiên. Chúng tôi đã mất gần một ngày để cố gắng cứu những con cá voi, tạo ra cơ hội sống sót tốt nhất nhưng lực bất tòng tâm", Hartley nói thêm, cho biết nước rất lạnh ở Úc trong khoảng thời gian mùa đông này cũng khiến nỗ lực giải cứu cá voi gặp nhiều khó khăn. Úc là quốc gia ở Nam Bán cầu và hiện đang trải qua mùa đông lạnh giá, đặc biệt là ở các khu vực phía nam.

Cá voi hoa tiêu vây dài, có thể dài tới 7,6 mét và nặng 800kg. Chúng có thể dễ dàng được nhận diện nhờ hình dạng bên ngoài đặc biệt. Chúng thường sống ở vùng biển thuộc Nam Bán cầu và phía Bắc Đại Tây Dương.

Vanessa Pirotta, nhà nghiên cứu động vật hoang dã ở Úc, nói nhà chức trách vẫn chưa biết rõ lý do vì sao đàn cá voi hoa tiêu vây dài này lại mắc cạn. Pirotta lưu ý đến hành vi rúc vào nhau, tụ lại một chỗ trước khi mắc cạn.

"Có thể chúng đang cố gắng trốn tránh những kẻ săn mồi khác, ví dụ như cá voi sát thủ", Pirotta nói. Cá voi hoa tiêu là loài có tính xã hội cao và gắn kết chặt chẽ với đàn trong suốt cuộc đời. Nghĩa là chúng có thể bị lạc hoặc chết chung cùng nhau khi một hoặc nhiều thành viên trong đàn bị mất phương hướng.

Pirotta cho biết, cá voi hoa tiêu sử dụng thủy âm để định hướng nên thường dễ mắc cạn hơn so với những loài khác. Cá voi hoa tiêu cũng nhiều lần được ghi nhận mắc cạn trên thế giới.

Tháng 9 năm ngoái, khoảng 200 con dạt vào bờ biển Tasmania, Úc và chỉ có 35 con sống sót quay trở về đại dương. Năm 2020, có tới 450 con cá voi hoa tiêu mắc cạn cùng nhau. Đầu tháng này, có hơn 50 con cá voi hoa tiêu chết sau khi mắc cạn tại một hòn đảo phía tây bắc Scotland.

Hàng loạt cá voi hoa tiêu chết ngổn ngang trên bãi biển Scotland

Một đàn gồm hơn 50 con cá voi hoa tiêu chết la liệt sau khi bị dạt vào bờ biển hòn đảo phía Tây Bắc Scotland.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - CNN ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN