G7 muốn dùng 600 tỷ USD đấu sáng kiến Vành đai Con đường của TQ, liệu có dễ?
Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) được G7 công bố với số vốn khởi điểm 600 tỷ USD là nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay của nhóm cường quốc kinh tế do Mỹ dẫn đầu nhằm cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành Đai Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo của G7 nhóm họp ở Đức (ảnh: Reuters)
Tuyên bố sau cuộc họp hôm 26.6 ở Đức, các nhà lãnh đạo G7 cho biết, họ đã nhất trí huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để khởi động PGII. Mục tiêu hàng đầu của PGII là hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nước có thu nhập thấp, trung bình.
Theo giới chuyên gia, Mỹ và các nước còn lại của G7 đã chọn đúng thời điểm khi công bố PGII. Vài năm trở lại đây, sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc bộc lộ nhiều dấu hiệu kém hiệu quả, khiến một số nước dè chừng về nguy cơ rơi vào “bẫy nợ”.
Theo DW, PGII từng được Mỹ công bố khoảng 1 năm trước, với tên gọi sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W). Tuy nhiên, kế hoạch do Tổng thống Mỹ Biden khởi xướng gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu, khi các đồng minh của Washington tỏ ra ngần ngại đóng góp tài chính.
Giống như B3W, sáng kiến mới của G7 cũng được cho là vấp phải không ít trở ngại. Nguyên nhân chính là các thành viên của G7 đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế cần giải quyết, ví dụ như giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng lạm phát. Một số quan chức Mỹ (giấu tên) cũng lưu ý, PGII mới chỉ nằm trên giấy và đi sau BRI của Trung Quốc gần 20 năm.
“Xung đột ở Ukraine và đà phục hồi kinh tế bất ổn sau đại dịch Covid-19 sẽ đe dọa PGII”, Viện nghiên cứu quốc tế Chatham House (Anh) nhận định.
Dẫn bình luận của một số chuyên gia, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho hay, số tiền 200 tỷ USD mà Mỹ hứa hẹn tài trợ cho PGII khó có khả năng thành hiện thực. Washington đang phải đối mặt với những vấn đề trong nước nghiêm trọng như kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát và đặc biệt là giá nhiên liệu tăng.
Khác với các dự án thuộc sáng kiến Vành đai Con đường chủ yếu lấy vốn từ ngân sách Trung Quốc, các khoản đầu tư của PGII phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tư nhân. Điều này khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
“Nợ công của Mỹ đang ở mức nghiêm trọng và hầu như không có ngân sách đầu tư cho những dự án lớn ở nước ngoài. Chính quyền của ông Biden buộc phải tìm đến nguồn vốn tư nhân để phục vụ PGII. Làm theo cách này, Washington nhiều khả năng không thể huy động đủ 200 tỷ USD trong vòng 5 năm tới”, Qiu Wenxu – chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Con đường Tơ lụa (Trung Quốc) – nhận xét.
Một tuyến đường sắt thuộc sáng kiến Vành Đai Con đường của Trung Quốc (ảnh: NY Times)
Ông Qiu Wenxu lưu ý, các nhà đầu tư tư nhân thường không cảm thấy hấp dẫn trước những dự án hạ tầng xây dựng tốn nhiều thời gian và thu hồi vốn chậm.
“Nhìn lại quá trình thực hiện B3W, PGII nhiều khả năng sẽ là một lời hứa suông khác của Mỹ và đồng minh”, ông Qiu nói.
Bình luận về PGII, Triệu Lập Kiên – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – hôm 27.6 cho biết, Bắc Kinh hoan nghênh mọi sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.
“Chúng tôi tin rằng, không có thứ gọi là các sáng kiến nhằm chống lại hay thay thế lẫn nhau. Những gì chúng tôi phản đối là các toan tính chính trị và bôi nhọ BRI dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Triệu nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Các đơn vị của lực lượng Ukraine đang rút dần khỏi Lysychansk, thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lugansk, ông Rodion Miroshnik - đại diện ngoại giao tại Nga của Cộng hòa Lugasnk tự...