F-35 Mỹ và S-400 Nga: Cái nào có nguy cơ thành nạn nhân của cái nào?
Có ý kiến cho rằng tính năng tàng hình của F-35 không đủ để nó có thể bay qua S-400 mà không bị phát hiện.
Các tiêm kích tàng hình của Mỹ bay vút lên bầu trời mà không bị phát hiện trong gần nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi Nga tiếp tục phát triển hệ thống phòng không tiên tiến.
Máy bay tàng hình F-117 Nighthawk. Ảnh The EurAsian Times
Theo trang tin The EurAsian Times, công nghệ tàng hình hay được gọi chung là khả năng phát hiện thấp được Mỹ hiện thực hóa bằng máy bay tàng hình F-117 Nighthawk do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển trong những năm 1970.
Tuy nhiên, giấc mơ về khả năng tàng hình trên không của Mỹ tan tành khi một chiếc F-117 Nighthawk bị một sĩ quan quân đội Serbia dùng hệ thống phòng không Liên Xô bắn rơi năm 1999.
Từ đó, Mỹ đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển công nghệ tàng hình để khiến một số tiêm kích nước này trở nên tàng hình thực sự.
Tên lửa Nga và tiêm kích tàng hình Mỹ
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Triumf của Nga và tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ thường được đưa ra đọ sức với nhau trong các kịch bản chiến đấu giả định của hai bên.
Các tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) thường được xếp chung với các tổ hợp tên lửa tương tự, các trạm radar, trạm chỉ huy và điều khiển và nằm gần các căn cứ không quân. Những yếu tố này được gọi chung là Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS).
Điều này khiến cho một IADS rất nguy hiểm đối với máy bay chiến đấu, bao gồm cả F-35, vì nhiều SAM có thể nằm chờ phục kích bằng cách tắt hệ thống radar của chúng, cho phép không bị phát hiện. Đồng thời các radar khác trong khuôn khổ IADS có thể tiếp nhận và truyền tải thông tin về máy bay địch tới các SAM.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Dmitriy Vinogradov/SPUTNIK
Các lựa chọn của F-35 vẫn còn hạn chế do Nga có có nhiều IADS trải dài khắp lãnh thổ nước này, với khoảng 45 tiểu đoàn S-400, hàng chục hệ thống S-300 cũ hơn và các nền tảng SAM tầm ngắn khác. Một số chuyên gia tin rằng radar hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (ABM) của Nga có thể phát hiện F-35 của Mỹ.
S-400 sở hữu tầm hoạt động vượt trội và được trang bị tên lửa tầm xa 40N6 có tầm bắn 400 km. Ngoài ra, các khẩu đội S-400 tiêu chuẩn thường có rất nhiều loại đạn có thể tiêu diệt nhiều mối đe dọa khác nhau, từ máy bay tàng hình cho tới thiết bị gây nhiễu radar.
Tên lửa 40N6 của S-400 có thể loại bỏ máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS) E3-Sentry, Hệ thống radar tấn công mục tiêu giám sát liên hợp (STARS) E-8 và máy bay do thám 135 Rivet Joint ‘Airseeker’ của Mỹ.
Đồng thời, các tên lửa 9M96 và 48N6 của S-400 có tầm bắn 100 km-200 km, có khả năng chống lại máy bay chiến đấu. Đặc biệt tên lửa 9M96 có thể chuyển lực gia tốc (lực G) lên con số 20 và có thể tấn công cả máy bay và tên lửa hành trình thù địch ở độ cao 5 m so với mặt đất. Điều này khiến cho việc lợi dụng địa hình, bay thấp chống lại S-400 trở thành chiến thuật vô nghĩa.
F-35 có thể đánh bại S-400?
Các loại bom lượn JSOW và SDB (bom đường kính nhỏ) là những vũ khí chính của tiêm kích tàng hình F-35. Thông thường F-35 có thể mang tám SDB, nhiều hơn so với mang bom JSOW.
Có ý kiến cho rằng tính năng tàng hình của F-35 không đủ để nó có thể bay qua S-400 mà không bị phát hiện. Vì thế, trong bất kỳ hoạt động tác chiến nào cũng sẽ có ít nhất chục chiếc F-35 được trang bị SDB và bom mồi nhử cùng với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu điện tử EA-18g Growlers mang theo thiết bị gây nhiễu và tên lửa chống bức xạ.
Tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ tại căn cứ không quân Hill (bang Utah, Mỹ) hồi tháng 1-2020. Ảnh: R. Nial Bradshaw/ U.S. Air Force photo/R. Nial Bradshaw)
Trước khi phóng mồi nhử, các máy bay này sẽ phải bay thấp càng lâu càng tốt để đánh lừa radar đối phương, sau đó EA-18g Growlers sẽ phóng tên lửa chống bức xạ HARM tiêu diệt radar của S-400. Một kịch bản chiến trường như vậy có thể phá hủy tổ hợp S-400 song sẽ phải chấp nhận chi phí cao và khiến phi công căng thẳng, do đó khó có chỉ huy nào chấp nhận.
Bổ sung vào khả năng phòng không mở rộng của Nga là tổ hợp S-500 Prometey mà Moscow đã thử nghiệm tháng trước và công bố video thử nghiệm. Một Tư lệnh của Không quân Nga tuyên bố S-500 là giải pháp cho tất cả các vấn đề phòng thủ tên lửa của Nga.
Một số báo cáo cho biết S-500 có tầm bắn 600 km, có khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo siêu thanh, tên lửa hành trình, máy bay, trực thăng và thậm chí máy bay chiến đấu không người lái. S-500 dự kiến đến năm 2025 sẽ được biên chế vào các đơn vị phòng không và phòng thủ tên lửa Nga gần thủ đô Moscow.
Lo lắng của Mỹ về S-400
Mỹ đã kịch liệt phản đối bất kỳ đồng minh nào của nước này tỏ ra quan tâm tới hệ thống S-400 của Nga.
Mỹ đã áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì mua S-400 của Nga. Mỹ cũng tỏ ra khó chịu khi Ấn Độ ký thỏa thuận mua S-400. Ấn Độ sẽ nhận S-400 vào cuối năm nay. Những động thái này cho thấy sự bất an của quân đội Mỹ đối với nền tảng S-400.
Giới phân tích quân sự suy đoán Mỹ lo ngại công nghệ tàng hình của nước này có thể bị Nga đánh cắp và sử dụng để khiến S-400 hoặc S-500 trở nên mạnh mẽ hơn những gì chúng hiện có.
Nguồn: [Link nguồn]
Máy bay chiến đấu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga bay cách F-35 của NATO chỉ hai mét.