F-35: "Kiệt tác" của Mỹ và phương Tây?
Theo một số nguồn tin, máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ được sản xuất với sự hợp tác của rất nhiều quốc gia trên thế giới, song những nghi ngờ về khả năng thực sự của loại phi cơ này vẫn còn bị đặt dấu hỏi.
Tạp chí Aviation Week cho biết, F-35 mặc dù chưa thật sự sẵn sàng chiến đấu, song Mỹ đã có kế hoạch triển khai 100 chiếc phi cơ này đến khu vực gần Triều Tiên. Phi đội F-35 đầu tiên của Mỹ đã có mặt tại Căn cứ không quân Iwakuni ở Nhật Bản và tháng 3 vừa qua họ đã có cuộc tập trận với Hàn Quốc. Dự kiến sắp tới nhiều phi đội khác sẽ xuất hiện trong khu vực.
F-35 sẽ được triển khai tới khu vực gần Triều Tiên.
Nhật Bản sẽ có khoảng 38 chiếc F-35 bắt đầu từ năm 2017, trong khi Hàn Quốc sẽ bắt đầu có loại máy bay này vào năm tới và chiếc F-35 đầu tiên dành cho Hàn Quốc đã được bắt đầu lắp ráp. Với sự vượt trội về công nghệ và khả năng chiến đấu, nhiều người tin rằng Triều Tiên sẽ không có cách gì để ngăn chặn F-35 một khi nó đã cất cánh.
Thực tế, công nghệ được trang bị cho các phi cơ F-35 không chỉ đến từ Mỹ mà còn từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Với những công nghệ hiện đại, F-35 gần như tàng hình trước các hệ thống phòng không hiện nay. Ngay cả khi bay với tốc độ siêu thanh, hệ thống mạng của máy bay vẫn có thể cho phép phi công chia sẻ thông tin thời gian thực cho các phi công khác cũng như chỉ huy dưới mặt đất.
Mũ đội đầu chuyên dụng của phi công F-35 do Israel chế tạo.
Theo trang tin Share America, các quốc gia chính tham gia vào quá trình phát triển F-35 gồm có: Canada (sản xuất hệ thống hạ cánh và xác định mục tiêu), Ý (linh kiện và tuốc bin động cơ), Hà Lan (thiết bị cánh máy bay), Anh (hệ thống hỗ trợ sức khỏe phi công), Đan Mạch (bộ phận máy bay và ụ đặt súng máy), Na Uy (ống xả cho động cơ đẩy), Úc (các thiết bị công nghệ cao) và Israel (mũ đội đầu hiện đại dành cho phi công).
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần có lời khen dành cho máy bay F-35. Tướng Tod Walters, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu cho biết: “Nó là một loại vũ khí mang tính đột phá, có thể thay đổi cục diện một cuộc chiến. Nó làm được những điều mà chúng ta chưa từng thấy”.
Mặc dù F-35 được coi là một loại vũ khí mang tính cách mạng, song quá trình phát triển của nó đã kéo dài hơn so với quy định ban đầu và không ai có thể khẳng định nó có đủ khả năng chiến đấu như Mỹ mong muốn hay không. Theo tạp chí Cipher Brief của Mỹ, hệ thống thu thập và mạng lưới truyền dữ liệu trên máy bay đã khiến nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện và vẫn còn nhiều vấn đề. Kể từ khi được đưa vào sử dụng (nhưng chưa được tham chiến), F-35 mới chỉ thỏa mãn những tiêu chí của máy bay thế hệ thứ tư.
Những tranh cãi về khả năng cũng như chi phí sản xuất của F-35 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những người tham gia trực tiếp vào dự án phát triển máy bay cũng như những người đã lái F-35 đều có nhận định tích cực. Trung tá David Berke, một trong những phi công lái thử F-35 đầu tiên cho biết: “Những người biết rõ về máy bay F-35 đều ủng hộ sử dụng nó. Đó đều là những người có kinh nghiệm lái nhiều loại máy bay chiến đấu khác”.
F-35 vẫn bị nghi ngờ về khả năng chiến đấu.
Có chuyên gia cho rằng, lợi thế của F-35 so với các phi cơ thế hệ thứ tư là rất rõ ràng, song chi phí cũng như quá trình sản xuất phức tạp là những vấn đề mà các dự án máy bay chiến đấu tương lại không được phép lặp lại. Hai chuyên gia Mandy Smithberger và Dan Grazier cho biết chương trình F-35 “là bài học nhỡn tiền về những quy chế hậu cần thất bại của Lầu Năm Góc”. Ngay cả trong trường hợp F-35 có thể thỏa mãn mong đợi của các bên, những vẫn đề trong quá trình phát triển của nó là điều mà Mỹ phải rút kinh nghiệm.
Sau cùng, có rất ít máy bay F-35 đang được sử dụng và chưa được tham chiến vào thời điểm hiện tại, vì vậy giá trị thực sự của máy bay này vẫn còn là điều còn nhiều bàn cãi.
F-22 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, thường bay cao hơn mọi máy bay khác và ra đòn tấn công chớp nhoáng.