F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine, cuộc chơi có đổi chiều?
Trong bối cảnh F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine, giới quan sát cho rằng Moscow đã có kế hoạch đối phó, còn Kiev lại đau đầu với một bài toán khác.
Theo hãng tin Reuters, sau gần 2 năm chờ đợi, những chiếc máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm F-16 đầu tiên dự kiến sẽ tới Ukraine vào tháng tới.
Việc F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine được xem là bước tiến quan trọng vì nó có thể giúp Ukraine củng cố sức mạnh cho các đơn vị không quân, cũng như giúp các đơn vị Kiev đối phó các đợt tấn công của quân đối phương.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng quân Nga từ lâu đã lên kế hoạch đối phó việc đối phương dùng F-16, còn quân Ukraine phải đau đầu giải bài toán khó khác - thiếu nhân lực điều khiển và cơ sở bảo trì F-16.
Kỳ vọng về F-16
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đi bên cạnh một chiếc máy bay chiến đấu F-16 tại Hà Lan. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, giới chức Ukraine từ lâu kỳ vọng rằng sự xuất hiện của F-16 trên chiến trường sẽ giúp họ giành lại ưu thế trên không, đối phó hiệu quả hơn với các cuộc không kích của Nga, bảo vệ tốt hơn các mục tiêu quân sự và dân sự, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc phản công trong tương lai.
Trong khi đó, giới quan sát lại đưa ra những đánh giá thận trọng về hiệu quả của F-16 tại chiến trường Ukraine.
Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định rằng F-16 mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Ukraine.
"Việc F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine không chỉ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ, mà còn là một lời cảnh báo mạnh mẽ gửi tới Nga - với sự hỗ trợ của F-16, quân Ukraine sẽ sớm giành lấy ưu thế trên không, sẽ vô hiệu hóa các đòn tấn công của máy bay không người lái (UAV) Shaheds và các loại tên lửa hành trình của quân Nga" - ông Cancian nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Cancian, tác động thực tế của F-16 trên chiến trường Ukraine có thể còn hạn chế trong giai đoạn đầu. "Vì Ukraine có thể sẽ chưa nhận được nhiều F-16, nên tác động đến cục diện chiến trường có thể sẽ không như kỳ vọng", ông Cancian nhận định.
Các đồng minh của Ukraine, gồm Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy trước đó đã cam kết sẽ chuyển cho Ukraine từ 60 đến 80 chiếc F-16 trước cuối năm nay. Nhưng theo Reuters, con số trên sẽ được chia ra nhiều giai đoạn, và giai đoạn đầu sẽ không quá 20 chiếc.
Một số chuyên gia quân sự khác cũng có quan điểm tương tự ông Cancian. Ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, cho rằng các đơn vị Kiev cần ít nhất 60 chiếc F-16 thì mới có thể đẩy lùi được quân Nga, giành lấy lợi thế trên không.
Trong khi đó, nghị sĩ Oleksandra Ustinova, người đứng đầu Ủy ban Quốc hội Ukraine về vũ khí và đạn dược, ước tính con số này lên tới 120 chiếc.
Nga đã có kế hoạch đối phó F-16?
Những chiếc máy bay chiến đấu F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine. Ảnh: AFP
Reuters dẫn lời ông Kuzan cho rằng quân Nga dường như đã có kế hoạch đối phó việc quân Ukraine dùng F-16 trên chiến trường.
“Trong thời gian dài không quân Ukraine tham gia huấn luyện sử dụng F-16 tại các nước phương Tây, quân Nga đã có thời gian chuẩn bị các phương án đối phó. Nhìn thấy rõ nhất là việc các đơn vị Moscow trong thời gian gần đây đã liên tục nhắm mục tiêu các căn cứ không quân của đối phương - nơi được cho là sẽ tiếp nhận và triển khai F-16 trong tương lai” - ông Kuzan nói.
Tháng trước, ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, tuyên bố mọi chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ Ukraine đều sẽ bị coi là "mục tiêu hợp pháp" của quân đội Nga và có thể bị tấn công, phá hủy.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng việc F-16 xuất hiện trên bầu trời Ukraine chỉ khiến xung đột thêm leo thang chứ không thể giúp các đơn vị Kiev thay đổi cục diện chiến trường dưới bất kỳ hình thức nào.
“Những máy bay F-16 rồi cũng sẽ bị phá hủy như những khí tài tiên tiến mà Mỹ và các nước phương Tây đã từng viện trợ cho Ukraine” - ông Lavrov cảnh báo.
Rào cản thực sự…
Theo Reuters, thách thức lớn nhất khiến F-16 khó hoàn thành nhiệm vụ giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường là công tác đào tạo phi công và quá trình bảo trì.
Giới quan sát cho rằng để có thể hoàn toàn làm chủ F-16 và phát huy tối đa sức mạnh của nó trên chiến trường, các phi công Ukraine cần phải trải qua quá trình huấn luyện bài bản, chuyên sâu, kéo dài từ 6-8 tháng.
Tuy nhiên, với nhu cầu cấp bách của cuộc chiến, thời gian đào tạo này sẽ là một trở ngại lớn, khiến việc xây dựng một lực lượng phi công F-16 hùng hậu càng trở nên khó khăn. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo phi công F-16 ở phương Tây đang quá tải, khiến việc đào tạo phi công Ukraine càng thêm khó khăn, theo Reuters.
Reuters ước tính cho đến thời điểm hiện tại chỉ mới có khoảng 20 phi công Ukraine đủ điều kiện để vận hành F-16.
Ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Royal United Services (Anh), nhấn mạnh: “Dù Ukraine có được trang bị những chiến đấu cơ tối tân nhất, nhưng nếu thiếu phi công có đủ năng lực, tiềm năng của những vũ khí này vẫn sẽ không được khai thác triệt để, và chúng vẫn sẽ bị quân đối phương bắn hạ như thường".
Thêm nữa, công tác bảo dưỡng F-16 đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và phụ tùng thay thế đặc biệt.
Tuy nhiên, việc các đơn vị Nga liên tục tấn công các cơ sở bảo trì khí tài của quân Ukraine trong thời gian gần đây có thể khiến F-16 gặp khó trong việc bảo dưỡng ngay tại Ukraine. Trong trường hợp đó, chúng sẽ được chuyển ra nước ngoài để bảo dưỡng.
Theo Reuters, công tác bảo dưỡng, sửa chữa phức tạp sẽ khiến Ukraine phụ thuộc nhiều vào các nước đồng minh, thậm chí khiến việc duy trì hoạt động của loại máy bay này tại Ukraine gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: [Link nguồn]
Video mới công bố cho thấy tiêm kích Su-27P Nga áp sát, khiến máy bay F-16 Đan Mạch phải chuyển hướng trong cuộc chạm mặt gần vùng Kaliningrad.