EU viện trợ Ukraine chỉ 1/9 số tiền "hứa hẹn" ban đầu

EU giảm viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh khối này phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi EU hỗ trợ Kiev về kinh tế (ảnh: CNN)

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhiều lần kêu gọi EU hỗ trợ Kiev về kinh tế (ảnh: CNN)

Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất khoản vay trị giá 9 tỷ USD nhằm giúp Ukraine trang trải các khoản nợ và khôi phục kinh tế. Khoản vay này được bảo đảm bởi chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, đến nay, EU mới chỉ thống nhất viện trợ cho Ukraine 1 tỷ USD, chỉ bằng 1/9 khoản tiền mà khối này hứa hẹn ban đầu.

Serhiy Marchenko – Bộ trưởng Tài chính Ukraine – nói với hãng tin Bloomberg (Mỹ) rằng, Ukraine thực sự cần số tiền 9 tỷ USD.

“Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục họ rằng chúng tôi cần khoản tiền đó. Chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ tài chính vào cuối năm nay”, ông Marchenko nói, lưu ý rằng Ukraine cần ít nhất 5 tỷ USD mỗi tháng trong bối cảnh xung đột với Nga khiến kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Ngoài ra, đề xuất vay 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu của Ukraine được cho là đã bị EU chặn do thiếu bảo đảm từ các bên.

Theo Bloomberg, EU phải giảm viện trợ cho Ukraine bởi khối này cũng đang gặp khó khăn về kinh tế. Một số cuộc tranh luận về vấn đề hỗ trợ Ukraine cũng bắt đầu xuất hiện trong nội bộ EU.

Một số nguồn tin (giấu tên) cho hay, khoản vay EU dành cho Ukraine bị giảm bởi Đức cố gắng thuyết phục các nước thành viên cung cấp viện trợ không hoàn lại thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thay vì cho Kiev vay thẳng.

Đức không muốn chịu gánh nặng trong việc bảo lãnh các khoản nợ cho Ukraine và muốn các nước khác trong EU tham gia nhiều hơn, theo Bloomberg.

Do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, các nước EU đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Thêm vào đó là tỷ lệ phạm phát ngày càng gia tăng. Đức được cho là đang lo ngại việc tăng cường ủng hộ Ukraine có thể khiến Nga cắt giảm nhiều hơn nữa nguồn khí đốt sang EU. Nền kinh tế Đức có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng nếu kịch bản này xảy ra.

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng do giao tranh khiến Ukraine tổn thất lớn về kinh tế (ảnh: RT)

Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng do giao tranh khiến Ukraine tổn thất lớn về kinh tế (ảnh: RT)

Theo Bloomberg, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU hôm 11.6, khoảng 1/3 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi hỗ trợ thêm cho các nước dễ bị tổn thương nhất trong khối.

Bloomberg dẫn lời một quan chức EU cho hay, Paolo Gentiloni – Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU – mới đây phát biểu trong một cuộc họp kín rằng, chính phủ các nước EU cần “tránh nguy cơ gây mệt mỏi cho người dân” vì xung đột Ukraine. 

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine tuyên bố nhận được vũ khí có tầm bắn xa như HIMARS, ống pháo nhiều gấp đôi

Quân đội Ukraine tuyên bố đã nhận được các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270 đầu tiên do phương Tây viện trợ. Loại pháo này có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN