EU thông qua gói trừng phạt Nga, “đụng” cả công ty Trung Quốc

EU thông qua gói trừng phạt thứ 13 với Nga và lần đầu "đụng" đến các công ty Trung Quốc với cáo buộc giúp Moscow có được mặt hàng cấm.

Euro News cho hay vòng trừng phạt mới nhất được Liên minh châu Âu (EU) thông qua hôm nay (21-2).

Các biện pháp trừng phạt còn nhắm vào các công ty ở nhiều nơi trên thế giới với cáo buộc cung cấp cho Nga công nghệ tiên tiến và mặt hàng quân sự được sản xuất tại EU, đặc biệt là các linh kiện máy bay không người lái. Nhóm các công ty ngoài Nga chủ yếu bị trừng phạt do giúp Nga né lệnh trừng phạt của EU.

Thông tin cho biết các công ty từ Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc cùng các quốc gia khác cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Gần 200 cá nhân và tổ chức, chủ yếu đến từ Nga được EU thêm vào vòng trừng phạt mới nhất – nâng bản "danh sách đen" lên hơn 2.000 pháp nhân.

Các thông tin chi tiết về các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU sẽ được công bố vào ngày 24-2, tức đánh dấu tròn 2 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang nước láng giềng Ukraine.

"Chúng ta phải tiếp tục làm suy yếu nguồn lực hỗ trợ quân sự của Nga" – bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.

Một khu vực khai thác dầu mỏ ở Nga. Ảnh: Reuters

Một khu vực khai thác dầu mỏ ở Nga. Ảnh: Reuters

EU trước đây đã cố gắng trừng phạt một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng phản ứng khiến một số quốc gia thành viên EU dè dặt.

Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc cuối cùng đã thúc đẩy các nhà ngoại giao ở Brussels đưa ra biện pháp quyết đoán hơn.

Theo số liệu hải quan của chính phủ Trung Quốc, thương mại Nga -Trung đạt mức cao kỷ lục hơn 204 tỉ USD vào năm 2023 – vượt qua mục tiêu 200 tỉ USD mà hai nước đặt ra.

Hungary trước đó là quốc gia duy nhất không thông qua gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga. Quá trình này bị chậm lại do Hungary cố gắng ngăn chặn bất kỳ đòn trừng phạt nào liên quan đến Rosatom, công ty độc quyền về hạt nhân của Nga.

Rosatom là nhà thầu chính trong việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, nơi cung cấp hơn 50% điện năng của Hungary.

Quyết định mới từ Liên minh châu Âu (EU) có thể giúp Ukraine nhận được khoảng 15 tỷ euro/năm (16,17 tỷ USD) từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bằng Hưng ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN