EU ra tuyên bố về Biển Đông, TQ nói 'ngừng gieo rắc bất hòa'
EU bày tỏ quan lo ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại Biển Đông, tuyên bố rằng điều này đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Báo Inquirer đưa tin Liên minh châu Âu (EU) ngày 24-4 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, sau khi hơn 200 tàu nước này bị phát hiện trong khu vực.
Hành động của Trung Quốc "đe dọa hòa bình khu vực"
Trong tuyên bố gửi đến Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS ), EU tuyên bố rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tàu cá Trung Quốc hiện diện trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS
"Căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc tại đá Ba Đầu, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực" - EU nêu rõ trong tuyên bố.
EU kêu gọi các quốc gia liên quan, gồm cả Trung Quốc và Philippines, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và ngoại giao phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
“EU ủng hộ tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba. EU kêu gọi tất cả các bên theo đuổi những nỗ lực chân thành hướng tới việc hoàn thiện COC” - tuyên bố nhấn mạnh.
EU cũng kêu gọi tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) năm 2016.
“EU cam kết đảm bảo các tuyến đường cung cấp hàng hải an toàn, tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vì lợi ích của tất cả mọi người” - EU nêu rõ.
“EU nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bao gồm các cơ chế giải quyết tranh chấp. Về vấn đề này, EU nhắc lại Phán quyết của Tòa Trọng tài được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12-7-2016" – EU nhấn mạnh trong tuyên bố.
Phản ứng của Trung Quốc
Phản ứng trước tuyên bố của EU về tình hình Biển Đông hôm 24-4, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc tại EU cùng ngày cho biết "các rủi ro an ninh ở Biển Đông chủ yếu đến từ bên ngoài khu vực", đồng thời kêu gọi EU "ngừng gieo rắc bất hòa", hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.
“Biển Đông không nên trở thành công cụ để một số quốc gia kiềm chế và cưỡng bức Trung Quốc, đây vẫn là nơi ít tranh giành của các cường quốc lớn” – người phát ngôn cho biết.
Tuyên bố của EEAS cũng nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc ngang nhiên nói rằng đá Ba Đầu (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là “một phần của quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) của Trung Quốc, bãi đá và vùng biển lân cận luôn là khu vực hoạt động và trú ẩn quan trọng của tàu đánh cá Trung Quốc”.
“Các tàu đánh cá của Trung Quốc gần đây đang hoạt động trong khu vực và tránh gió, điều này là hợp lý và đúng luật. Tại sao điều đó lại gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực được?" – người phát ngôn ngang nhiên cho biết.
Người phát ngôn ngang nhiên nói rằng “Tòa Trọng tài Biển Đông được thành lập trên cơ sở các hành vi và tuyên bố chủ quyền phi pháp của Philippines. Tòa không có tính hợp pháp và phán quyết mà Tòa đưa ra là vô hiệu. Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận phán quyết và kiên quyết bác bỏ mọi tuyên bố hoặc hành động dựa trên phán quyết".
Liên quan Chiến lược Hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do EU đề xuất hôm 19-4, người phát ngôn nói rằng tình hình hiện tại ở Biển Đông “đang trên đà ổn định”.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc “duy trì liên lạc chặt chẽ về các vấn đề liên quan với các nước trong khu vực, bao gồm Philippines”, đồng thời cho biết thêm rằng “các nước trong khu vực và hơn thế nữa trong những năm gần đây đã thấy rõ rằng các yếu tố gây bất ổn và rủi ro an ninh ở Biển Đông chủ yếu đến từ bên ngoài khu vực".
Người phát ngôn kêu gọi EU "tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc giải quyết đúng đắn những khác biệt và duy trì sự ổn định ở Biển Đông, đồng thời ngừng gieo rắc bất hòa".
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.
Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như phản đối bất kỳ nước nào xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực.
Sau khi phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Tổng thống Duterte tuyên bố nếu Trung Quốc khoan dầu ở Biển Đông, Philippines cũng hành động tương tự và sẽ sử dụng...
Nguồn: [Link nguồn]