EU nói lý do không thể cấm nhập khẩu khí đốt Nga
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu – ông Josep Borrell – cho biết, nếu Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga, có một quốc gia thành viên chắc chắn sẽ phủ quyết.
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại – ông Josep Borrell (ảnh: RT)
Trả lời phỏng vấn với hãng tin COPE (Tây Ban Nha), ông Josep Borrell cho biết, lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt Nga bị EU loại trừ vì khối này không thể thuyết phục Hungary – một nước thành viên – nhất trí thông qua.
“Quyết định đó không thể đưa ra bởi có một quốc gia – Hungary – tuyên bố rằng họ sẽ phủ quyết”, ông Josep Borrell nói.
Tuy nhiên, ông Josep Borrell cũng bày tỏ sự thông cảm đối với Budapest khi không thể từ bỏ khí đốt Nga. Nga hiện cung cấp tới 90% khí đốt và 65% dầu cho nhu cầu tiêu thụ của Hungary.
“Từ bỏ những gì mình đang có thật không dễ dàng”, ông Josep Borrell phát biểu và nói thêm rằng, giới lãnh đạo EU hiểu một số nước phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga đang ở trong tình thế khó xử.
Tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, khí đốt từ Nga sẽ là lựa chọn duy nhất của Budapest. Hungary không giáp biển nên sẽ không thể nhận trực tiếp khí đốt hóa lỏng (LNG) do Mỹ cung cấp. Nếu nhận gián tiếp từ nước khác, Hungary có thể tốn rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Không phải chỉ đơn giản là mặc thêm một chiếc áo len, giảm nhiệt độ lò sưởi một chút hay trả nhiều tìền hơn cho khí đốt là có thể giải quyết được chuyện này. Thực tế, nếu không có năng lượng từ Nga, Hungary sẽ không thể hoạt động”, ông Viktor Orban nói.
Theo ông Orban, bất chấp sự thúc giục của EU, Hungary không thể giảm nhập khẩu khí đốt Nga trong “một sớm một chiều”.
Hôm 2.4, Lithuania trở thành quốc gia EU đầu tiên ngừng mọi hoạt động mua khí đốt Nga. Lithuania tuyên bố nước này có đủ lượng khí đốt dự trữ để đưa ra quyết định này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Lithuania đang lo ngại khí đốt Nga tăng giá quá cao.
Trong cuộc phỏng vấn với COPE, ông Borrell cho rằng, EU đang lâm vào thế khó xử khi một mặt muốn ủng hộ Ukraine, trừng phạt Nga, nhưng lại không thể làm gì nhiều bởi nguồn năng lượng của EU phụ thuộc và Moscow và đây cũng không phải một liên minh quân sự.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng lưu ý, đồng rúp của Nga đang chứng tỏ khả năng chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
“Đồng rúp đã cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ. Nga đang yêu cầu một số nước dùng đồng rúp để mua khí đốt. Chúng ta sẽ chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Borrell nói.
EU rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga (ảnh: Reuters)
Hôm 5.4, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố, bao gồm: Cấm nhập khẩu than từ Nga, cấm 4 ngân hàng Nga giao dịch, cấm tàu Nga vào các cảng EU ngoại trừ tàu chở lương thực và nhiên liệu, cấm nhập khẩu với số hàng hóa trị giá 6 tỷ USD từ Nga gồm các mặt hàng gỗ, xi măng, hải sản, rượu mạnh”.
EU cũng cấm xuất khẩu số hàng hóa trị giá 11 tỷ USD sang Nga, bao gồm chất bán dẫn, thiết bị vận tải…
Đây là lần đầu tiên EU đề xuất trừng phạt nhằm vào một nhóm hàng nhiên liệu Nga (than). Theo Statista, để đưa ra lệnh cấm nhập khẩu than Nga, năm 2021, EU đã lấp đầy kho dự trữ than của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Bày tỏ lo ngại về xung đột Nga – Ukraine, nước này tuyên bố sẽ bắt đầu lộ trình gia nhập NATO để tìm kiếm bảo đảm an ninh.