EU nhất trí biện pháp đối phó việc Nga cắt giảm khí đốt
EU đã thông qua quy định khẩn cấp nhằm hạn chế sử dụng khí đốt trong mùa đông năm nay nhằm đối phó với nguy cơ Nga cắt giảm nguồn cung ở mức chưa từng có.
Bộ trưởng các nước thành viên EU nhóm họp để tìm phương án đối phó việc Nga cắt giảm khí đốt (ảnh: CNN)
“Trong nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên hôm nay đạt thỏa thuận chính trị về tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt trước mùa đông”, hội đồng các bộ trưởng EU hôm 26.7 ra thông cáo cho biết.
“Mục đích của cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, khi Moscow tiếp tục sử dụng năng lượng như một loại vũ khí”, thông cáo nêu.
“Đây không phải nhiệm vụ bất khả thi. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong mùa đông tới”, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc – nước đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU – viết trên Twitter.
Theo thỏa thuận, các nước thành viên EU sẽ tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Quy định này có thể sẽ trở thành bắt buộc trong trường hợp EU rơi vào tình trạng khẩn cấp khi khí đốt thiếu hụt.
Trước đó, hôm 25.7, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) thông báo, công suất của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20% (tương đương 33 triệu m3/ngày). Lý do tập đoàn này đưa ra là phải sửa chữa một tuabin khác.
Hồi tháng 6, Nga đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Nord Stream 1 xuống còn 40%, với lý do một tuabin được Đức đưa sang Canada sửa chữa chưa đưa trở lại Nga.
Các nước thành viên EU sẽ tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt (ảnh: CNN)
Hãng thông tấn DPA (Đức) đưa tin, các Ngoại trưởng EU hy vọng cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt sẽ “giảm bớt tác động của việc cắt giảm, thậm chí là ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga”.
“Chúng tôi sẽ không bị chia rẽ. Không có chuyện chúng tôi đối phó lẫn nhau vì khí đốt khan hiếm. Chúng tôi sát cánh cùng nhau và đây là tín hiệu quan trọng gửi tới Nga”, Annalena Baerbock – Ngoại trưởng Đức – phát biểu hôm 26.7.
CNN dẫn lời 2 quan chức EU tiết lộ, Hungary là nước duy nhất phản đối kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt vừa được thông qua.
Mặc dù nhất trí thông qua kế hoạch cắt giảm sử dụng khí đốt, nhưng Bộ trưởng Môi trường Ireland – ông Eamon Ryan – cho rằng, giảm tiêu thụ 15% vẫn chưa đủ để EU vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
“15% có lẽ là không đủ với những gì Nga vừa công bố. Nhưng có vẫn hơn không. Tôi nghĩ hôm nay chúng tôi đã phát đi một thông điệp quan trọng”, Reuters dẫn lời ông Eamon Ryan.
Ông Eamon Ryan dự báo, cam kết cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt không đủ để EU vượt qua quý 3 năm nay.
Ý tưởng cắt giảm tiêu thụ khí đốt trước đó được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Hy Lạp, Italia, Hungary, Đan Mạch, Ireland, Malta, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan. Các nước này có nhu cầu tiêu thụ khí đốt lớn và cho rằng đề xuất của EC “không công bằng”.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Điều này sẽ xảy ra. Không sớm thì muộn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Điện Kremlin cho biết, tuabin do Đức gửi đến sẽ được lắp đặt lại vào trạm nén của đường ống dẫn khi đốt Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1).