EU “ngậm bồ hòn” vì Thổ Nhĩ Kỳ?
Việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chân thay thế các công ty và tập đoàn phương Tây làm ăn với Nga đã khiến giới chức Liên minh châu Âu (EU) quan ngại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) gặp ông Putin tại Sochi vào ngày 5/8/2022.
Giá trị và khối lượng hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Nga đã tăng đáng kể so với năm 2021. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực lấp khoảng trống mà các công ty Mỹ và châu Âu để lại khi rút khỏi thị trường Nga, báo Anh Financial Times (FT) ngày 16/8 cho biết.
Một số quan chức EU bình luận rằng thông tin này "không tốt" và "không phù hợp" nhưng trước mắt chưa có biện pháp giải quyết, theo FT.
Dữ liệu mới nhất do Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ công bố, cho thấy giá trị hàng hóa xuất sang Nga đạt 2 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, tăng 642 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng trong tháng 7, giá trị hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga đã tăng 75% so với cùng thời điểm năm ngoái, từ 417 triệu tăng lên 730 triệu USD.
Đây là mức tăng đột biến nhất trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn cầu.
Một trong những lý do là do đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá, nhưng cũng do Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và EU.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng cơ hội để làm ăn với Mỹ khi giá trị hàng hóa xuất sang Mỹ đã tăng 25%, Bộ Thương mại nước này cho biết.
"Chúng tôi đã nắm được vấn đề này", một quan chức EU giấu tên nói trên tờ FT. "Điều này không tốt và cũng không được EU đón chào".
Một số nước thành viên EU đã chất vấn Thổ Nhĩ Kỳ về mối quan hệ của nước này với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên chờ gia nhập EU và là nước thành viên liên minh quân sự NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi vào đầu tháng này.
Ông Erdogan đang theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga và phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ankara vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga trong khi vẫn thu lời nhờ bán các máy bay không người lái cho Ukraine.
Giới lãnh đạo và các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoan nghênh cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Nga do làn sóng công ty Mỹ và EU rút lui.
"Ở thời điểm EU giảm bớt mối quan hệ với Nga vì xung đột ở Ukraine, không phù hợp khi một quốc gia đối tác lại tận dụng cơ hội để thúc đẩy hợp tác với Nga", Peter Stano, người phát ngôn cơ quan ngoại giao của EU, nói.
Mặc dù giới lãnh đạo EU thất vọng vì Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng EU cũng thừa nhận chưa có giải pháp cụ thể. "Đó là Thổ Nhĩ Kỳ, ai trong EU cũng cần họ, vì lý do này hay lý do khác", một quan chức EU khác nói với FT. "Chúng tôi không thể đơn giản yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân theo luật chơi của chúng tôi".
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới thời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Ankara là “nguồn cơn gây ra rắc rối lớn” đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, báo Mỹ New York Times cho biết, mô...