EU lên kế hoạch mua khí đốt Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đưa ra một giải pháp cho các nhà nhập khẩu khí đốt của khối này để vẫn đáp ứng việc thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp theo yêu cầu của ông Putin mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moscow. 

EU đang lên kế hoạch để các công ty trong khối này có thể mua khí đốt Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Ảnh minh họa: Bloomberg

EU đang lên kế hoạch để các công ty trong khối này có thể mua khí đốt Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Ảnh minh họa: Bloomberg

Theo hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt, Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch khuyến cáo các công ty năng lượng của khối nên tuyên bố rõ ràng rằng, nghĩa vụ của họ đã hoàn thành sau khi thanh toán khí đốt bằng đồng euro hoặc đô la, phù hợp với các hợp đồng hiện có, tờ Bloomberg hôm 15/5 trích dẫn các nguồn tin thân cận cho biết. 

EC tuyên bố với chính phủ các nước thành viên EU rằng, hướng dẫn mới này không ngăn cản các công ty mở tài khoản tại ngân hàng Nga Gazprombank và vẫn cho phép các công ty của EU mua khí đốt Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moscow, theo nguồn tin thân cận. 

Các công ty châu Âu đã chật vật trong nhiều tuần để tìm ra cách có thể đáp ứng các yêu cầu từ Moscow mà không vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Nga. Hồi cuối tháng 3, ông Putin tuyên bố nếu các khoản thanh toán không được trả bằng đồng rúp từ 1/4, Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho các nước EU. Các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga để sưởi ấm và phục vụ ngành công nghiệp điện. 

Ban đầu, EU đánh giá cơ chế thanh toán do ông Putin yêu cầu đã giúp Moscow có toàn quyền kiểm soát quy trình thanh toán, vi phạm hợp đồng giữa đôi bên, và quan trọng là vi phạm các lệnh trừng phạt của khối này. 

Hôm 13/5, EC có cuộc họp kín với đại diện các nước thành viên EU, tuyên bố rằng hướng dẫn mới sẽ có nội dung cho phép các công ty có thể mở tài khoản bằng đồng euro hoặc đô la tại Gazprombank theo yêu cầu của Moscow. 

Tuy nhiên, EC không nhắc đến việc lập tài khoản thanh toán bằng đồng rúp - một yêu cầu khác của Nga - có phù hợp với các quy định của EU hay không. Trước đó, các quan chức EU cho rằng, việc mở một tài khoản như vậy sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moscow. Nguồn tin mà hãng Bloomberg khai thác cho biết, hướng dẫn mới không giải quyết được thắc mắc này. 

Một điểm quan trọng khác trong hướng dẫn mới là một khi các công ty châu Âu thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la và tuyên bố đã hoàn thành nghĩa vụ của họ, phía Nga sẽ không được yêu cầu thêm bất kỳ hành động nào từ phía các công ty EU. 

Hạn chót thanh toán khí đốt của tháng cũ với nhiều công ty châu Âu là vào cuối tháng 5. Nếu không thanh toán, nguồn cung khí đốt Nga sẽ bị cắt. Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt giảm nguồn cung sau khi không đáp ứng yêu cầu từ phía Nga. 

Việc ông Putin yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp đã khiến nội bộ các nước thành viên EU bị chia rẽ vì nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Thủ tướng Ý Mario Draghi hồi đầu tuần cho biết, các công ty châu Âu có thể thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. 

Tại cuộc họp hôm 13/5, đại diện các nước EU cũng bị chia rẽ. Trong khi Đức, Hungary, Ý và Pháp tán thành kế hoạch của EC thì Ba Lan không ủng hộ. Các quốc gia khác cũng bối rối vì thiếu hướng dẫn cụ thể trong việc mở tài khoản bằng đồng rúp. 

Các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc thực thi các lệnh trừng phạt của EU, nhưng EC là cơ quan cung cấp các hướng dẫn pháp lý. 

Sắc lệnh hồi cuối tháng 3 của ông Putin, có hiệu lực từ 1/4, yêu cầu các công ty châu Âu mở 2 tài khoản ở ngân hàng Gazprombank (Nga) - một là tài khoản bằng đồng euro (hoặc đô la) và một tài khoản bằng đồng rúp. Moscow quy định các khoản thanh toán khí đốt sẽ không được giải quyết cho tới khi số tiền bằng euro (đô la) được chuyển thành rúp. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bloomberg: Doanh thu dầu thô Nga tăng vọt bất chấp bị phương Tây trừng phạt

Theo báo cáo thị trường hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga kiếm được khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng thông qua việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm liên quan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN