EU đang bàn áp trần giá khí đốt Nga, một nước đã tuyên bố được miễn trừ
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, bất kỳ mức giá trần nào đối với khí đốt mà EU có thể thông qua trong tương lai đều sẽ không được áp dụng với Hungary.
Thủ tướng Hungary – ông Viktor Orban (ảnh: Reuters)
“Chúng tôi được miễn áp đặt giá trần khí đốt để tránh gây nguy hiểm tới nguồn cung của Hungary”, ông Orban thông báo hôm 21/10 trên Facebook.
DW (báo Đức) cũng đăng tải thông tin trên, lưu ý rằng quyết định miễn trừ cho Hungary được các nhà lãnh đạo EU thông qua trong hội nghị hôm 21/10 tổ chức tại Brussels (Bỉ).
Ông Orban lưu ý, ngay cả khi châu Âu thông qua kế hoạch ký hợp đồng mua chung khí đốt, Hungary cũng không bắt buộc phải tham gia. Hungary hiện duy trì thỏa thuận mua khí đốt có thời hạn 15 năm với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom. Thỏa thuận này được ký kết từ tháng 9/2021.
Tuyên bố của ông Orban được đưa ra trong ngày thứ 2 EU nhóm họp để thảo luận về 3 vấn đề chính: Áp trần giá khí đốt Nga, viện trợ Ukraine và trừng phạt Iran với cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga.
Theo DW, sau cuộc họp, lãnh đạo 27 nước EU đã không thể nhất trí việc áp trần giá khí đốt Nga. Kế hoạch mua chung khí đốt cũng không được thông qua. Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho biết, EU sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng thành lập một tập đoàn để mua chung khí đốt.
Một số nguồn tin cho hay, cuộc họp hôm 21/10 mang lại kết quả khiêm tốn khi các nhà lãnh đạo EU chỉ thống nhất được một “lộ trình” nhằm hạ giá năng lượng.
Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu – được cho đã phản đối quyết liệt việc áp trần giá khí đốt. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của EU (giấu tên), các nước thành viên EU đều có ưu tiên khác nhau trong vấn đề khí đốt, trong đó Đức chọn đảm bảo nguồn cung vì nước này có thể mua khí đốt với giá cao. Tuy nhiên, một số nền kinh tế nhỏ hơn Đức lại khó có thể chịu được áp lực khi giá khí đốt tăng.
Về vấn đề hỗ trợ Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho biết, EU đang có kế hoạch gửi cho Kiev 1,5 tỷ euro/tháng (khoảng hơn 1,4 tỷ USD), bắt đầu từ năm 2023.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin không còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga và đang tìm cách cắt giảm 20% lượng khí đốt tiêu thụ.