EU có động thái trấn an Ukraine sau chiến thắng của ông Trump

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

“Thông điệp rất rõ ràng – người châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU tuyên bố.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã đến thủ đô Kiev vào ngày 9/11 để trấn an Ukraine về sự ủng hộ của châu Âu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Brussels kể từ khi ông Donald Trump thắng cử.

Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến Ukraine và châu Âu lo lắng rằng ông Trump có thể chấm dứt sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của Moscow.

"Thông điệp rất rõ ràng – người châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine", ông Borrell, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng tới, nói với một nhà báo AFP đi cùng ông.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell đến thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 9/11/2024. Ảnh: Kyiv Independent

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell đến thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 9/11/2024. Ảnh: Kyiv Independent

Ông Borrel lưu ý rằng đây là chuyến thăm thứ 5 của ông đến Kiev và là chuyến thăm cuối cùng với tư cách là người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU. Ông nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ Ukraine sẽ vẫn là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của EU.

"Chúng tôi đã ủng hộ Ukraine ngay từ đầu, và trong chuyến thăm Ukraine cuối cùng này, tôi muốn truyền tải thông điệp tương tự, chúng tôi sẽ ủng hộ các bạn nhiều nhất có thể", nhà ngoại giao hàng đầu của Brussels nói.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc duy trì viện trợ quân sự và tài chính khổng lồ của Mỹ cho Ukraine và cho biết ông có thể đạt được một thỏa thuận nhanh chóng để chấm dứt giao tranh.

"Không ai biết chính xác chính quyền mới ở Mỹ sẽ làm gì", ông Borrell nói, chỉ ra rằng đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn còn 2 tháng nắm quyền để đưa ra quyết định.

"Nhưng chúng ta, những người châu Âu, phải tận dụng cơ hội này để xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và thống nhất hơn, và một trong những biểu hiện của sự thống nhất, mạnh mẽ hơn và có khả năng hành động là vai trò của chúng ta trong việc ủng hộ Ukraine", vị quan chức EU nói.

Theo một công cụ theo dõi từ Viện Kiel, châu Âu đã chi khoảng 125 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu này vào tháng 2/2022, trong khi chỉ riêng Mỹ đã chi hơn 90 tỷ USD.

Việc giữ chân Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, được nhiều người coi là chìa khóa để đảm bảo Kiev tiếp tục hoạt động, đặc biệt là vào thời điểm đang có nhiều xáo trộn về chính trị ở các cường quốc châu Âu là Đức và Pháp.

Trên chiến trường, quân đội Ukraine đang phải vật lộn để ngăn chặn những bước tiến của quân Nga khi hai bên chuẩn bị cán mốc 3 năm xung đột toàn diện.

Ông Borrell, người sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ukraine trong chuyến thăm của mình, cho biết các nước EU phải quyết định "khi nào và làm thế nào để tăng" sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Kiev nếu cần.

Nhưng ông cho biết tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU ở Budapest (Hungary) vào ngày 8/11, rằng "hầu hết các quốc gia thành viên đều nhấn mạnh vào cùng một quan điểm: Tiếp tục hỗ trợ Ukraine".

Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong việc duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Kyiv Post, TASS) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN