EU chốt thời điểm gửi tiền lãi từ tài sản giữ của Nga cho Ukraine, Moscow cảnh báo đanh thép

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

EU đã công bố kế hoạch gửi đợt tiền lãi đầu tiên thu được từ tài sản Nga bị đóng băng cho Ukraine vào tháng 8 năm nay.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters

Đài RT ngày 23/7 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, Nga sẽ trả đũa phương Tây vì hành vi chiếm đoạt tài sản của Moscow.

Theo ông Peskov, Nga sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm vào cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đóng băng số tài sản Nga trị giá 282 tỷ USD. Moscow gọi đây là hành động "trộm cắp". 

"Những hành vi trộm cắp như vậy không thể không bị đáp trả", ông Peskov tuyên bố ngày 23/7. "Số tiền lãi đó không chỉ bị đánh cắp mà còn được dùng để mua vũ khí. Thật khó có thể tưởng tượng được điều gì khác tồi tệ hơn".

Phát ngôn viên Điện Kremlin nói thêm, việc sử dụng và khai thác lợi ích từ tài sản Nga bị đóng băng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và quyền sở hữu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lên án kế hoạch chuyển tiền của EU cho Ukraine và cảnh báo "trả đũa gay gắt".

"Không ít lần, chúng tôi cảnh báo sẽ đáp trả gay gắt hành động đó. Chúng tôi sẽ hành động vì lợi ích quốc gia và EU biết điều đó", bà Zakharova nói.

Ngày 22/7, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết, đợt tiền lãi đầu tiên (có tổng trị giá 1,5 tỷ USD) thu được từ các tài sản Nga bị đóng băng sẽ được gửi đến Kiev trong tuần đầu tiên của tháng 8 để tài trợ cho việc mua vũ khí.

Theo đài RT, phương Tây đã phong tỏa số tài sản trị giá gần 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022.  

Hồi tháng 5, EU thông qua kế hoạch sử dụng tiền lãi thu được từ số tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ quá trình phục hồi và phòng thủ cho Ukraine. Theo thỏa thuận, 90% số tiền thu được từ số tài sản Nga bị đóng băng sẽ được chuyển vào quỹ viện trợ quân sự cho Ukraine. Quỹ này do EU điều hành. Và 10% còn lại sẽ được phân bổ để hỗ trợ cho Kiev theo nhiều cách.

Vào tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh ở Ý, nhóm G7 cũng đạt thỏa thuận sử dụng tiền lãi thu được từ số tài sản Nga bị đóng băng để tài trợ cho khoản vay 50 tỷ USD, giúp Kiev mua vũ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng hư hại.

Nga đã lên án các hành động trên của phương Tây, nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ quân sự cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài thêm. Chính phủ Nga trước đó nhấn mạnh, các vụ kiện về tài sản Nga bị đóng băng đang được thực hiện ở nhiều quốc gia. Một số vụ trong số đó đã thành công.

Kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt này được thiết kế để gây áp lực lên chính quyền Nga, buộc nước này phải ngừng hành động quân sự. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN