EU cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt: Chuyện gì xảy ra?
Ngành công nghiệp ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối mặt khó khăn đầu tiên, sau khi tất cả các nước thành viên ngoại trừ Hungary đều đồng ý tự nguyện cắt giảm tiêu thụ khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen.
Hôm 26.7, EU đã thông qua đề xuất cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt với tỉ lệ ủng hộ áp đảo. Đây là nỗ lực mới nhất của EU nhằm chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn khi Nga đang ngày càng siết chặt và có thể ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào bất cứ lúc nào, theo báo Anh Guardian.
Kể từ tháng 8 tới cho đến tháng 3.2023, các nước thành viên EU sẽ tự nguyện cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Trong trường hợp khẩn cấp, EU sẽ thay thế bằng quy định bắt buộc.
3 đảo quốc không liên quan đến mạng lưới khí đốt EU, gồm đảo Síp, Ireland và Malta, được miễn trừ không phải tiết kiệm khí đốt. Các quốc gia ít phụ thuộc vào mạng lưới khí đốt EU cũng có thể tự nguyện xin không cắt giảm.
Theo thỏa thuận mới, chính phủ các nước thành viên EU chủ động lựa chọn cách phân phối khí đốt tương ứng với mức giảm 15%, miễn là đảm bảo nguồn cung cho các hộ gia đình.
Ngành công nghiệp ở các nước thành viên EU đối mặt khó khăn đầu tiên, phải hạn chế sử dụng các hệ thống sưởi và làm mát, ảnh hưởng đến năng suất nói chung. Một số nhà máy có thể được hưởng ngoại lệ, ví dụ như các nhà máy sản xuất hàng hóa quan trọng hoặc các nhà máy không thể cắt giảm tiêu thụ năng lượng vì lý do kỹ thuật.
EU cũng khuyến khích các nước thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc tiết kiệm năng lượng, như tắt đèn không cần thiết, hạn chế sử dụng điều hòa và các thiết bị làm nóng.
Các nước thành viên sẽ phải báo cáo tiến độ cắt giảm tiêu thụ khí đốt với EU mỗi hai tháng/lần. Đây là cách để EU tạo sức ép với các nước thành viên.
Theo kế hoạch, EU có thể tiết kiệm 45 tỉ m3 khí đốt nếu mức cắt giảm 15% được các nước thành viên thực thi đầy đủ. Ngay cả khi các thành viên tìm cách tránh né, thỏa thuận vẫn giúp EU tiết kiệm thêm khí đốt trong mùa đông.
Mùa đông năm 2022 – 2023 được dự báo là sẽ rất khó khăn, đặc biệt nếu thời tiết giá rét kéo dài. Nhưng theo các chuyên gia, những gì xảy ra sau mùa đông có thể còn tồi tệ hơn.
Mức tích trữ khí đốt nói chung của EU hiện ở mức 66%. Đến mùa xuân năm sau, EU có thể cạn kiệt nguồn dự trữ mà khó tìm được nguồn cung thay thế ngoài Nga.
Giới chức EU kì vọng khoảng trống về nguồn cung khí đốt có thể được Na Uy và Azerbaijan đáp ứng. EU cũng huy động thêm các tàu chở khí hóa lỏng từ Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) họp bàn về biện pháp cắt giảm sử dụng khí đốt, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, quốc gia châu Âu nhập khẩu 98% khí đốt...