EU cảnh báo ‘rắn’ các nước thành viên chuyện thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu dọa có hành động pháp lý chống lại các nước thành viên cho phép công ty năng lượng của họ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Brussels sẵn sàng khởi động hành động pháp lý chống lại những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho phép các công ty năng lượng của họ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, vi phạm lệnh trừng phạt của khối này.
“Đó là một bối cảnh tương đối phức tạp” – Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nói với đài Euronews vào chiều 28-4.
Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis. Ảnh: EPA
“Vì vậy, một mặt, các quốc gia thành viên đang giám sát việc thực hiện các lệnh trừng phạt của các công ty cụ thể trên lãnh thổ của họ. Nhưng mặt khác, với tư cách EC, chúng tôi đang theo dõi xem các quốc gia thành viên có thực sự thực thi các biện pháp trừng phạt hay không”.
“Nếu chúng tôi thấy rằng không đúng như vậy, thì cũng có khả năng EC sẽ bắt đầu các thủ tục vi phạm trong vấn đề này” – ông Dombrovskis cảnh báo.
Bình luận của ông Dombrovskis được đưa ra một ngày sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom năng lượng quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Hai nước đã từ chối làm theo một sắc lệnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành, theo đó những bên mua nước ngoài “không thân thiện”, bao gồm 27 quốc gia thành viên EU, bắt buộc phải thiết lập một tài khoản ngân hàng thứ hai để chuyển đổi euro thành rúp và sau đó thanh toán cho các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga.
Sắc lệnh này nhằm nâng đỡ đồng rúp, vốn đã trải qua đợt rơi tự do mạnh mẽ vào đầu tháng 3 và dần dần phục hồi về mức trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vẫn là vấn đề quan trọng
Ủy ban cho biết khoảng 97% hợp đồng khí đốt của EU ký với Nga quy định rõ ràng các khoản thanh toán phải được thực hiện bằng euro hoặc USD.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phản ứng với quyết định của Gazprom: “Các công ty có hợp đồng như vậy không nên tuân theo các yêu cầu của Nga. Điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU và do đó rủi ro cao đối với các công ty”.
Bà von der Leyen bằng cách thiết lập một tài khoản ngân hàng thứ hai, Ngân hàng Trung ương Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây, sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp đồng euro và có thể tích lũy dự trữ ngoại hối của mình.
Tuy nhiên, bất chấp sự kiên quyết từ Brussels, các chính phủ châu Âu dường như bối rối về cách xử lý sắc lệnh của ông Putin, do mức độ phụ thuộc cao của nhiều nước vào khí đốt của Nga.
Bloomberg tuần này đưa tin 10 công ty năng lượng châu Âu mà hãng này không nêu tên đã mở tài khoản ngân hàng bằng đồng rúp và 4 trong số đó đã thanh toán bằng đồng tiền của Nga.
Uniper, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Đức, xác nhận với đài BBC rằng các khoản thanh toán bằng đồng euro của họ sẽ được chuyển đổi thành rúp, lập luận rằng “không thể làm gì được nếu không có khí đốt của Nga trong ngắn hạn”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cũng đã tỏ ý cho thấy nước ông sẽ sẵn sàng trả bằng đồng rúp nếu được yêu cầu làm như vậy để có được nguồn cung cấp năng lượng.
Ông Dombrovskis tránh nhắc tên Hungary và nhấn mạnh EU “đã đoàn kết” trong phản ứng với Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ ba.
Vị phó chủ tịch EC kiêm ủy viên phụ trách thương mại của khối cho biết thêm rằng gói trừng phạt tiếp theo của EU sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu của Nga, nhưng ông từ chối tiết lộ chi tiết vì các cuộc tham vấn chính trị giữa các thủ đô và EC “đang diễn ra”.
Dầu mỏ là nhiên liệu hóa thạch mà EU trả số tiền lớn nhất (khoảng 70 tỉ euro vào năm 2021) nhưng trong trường hợp có lệnh cấm vận toàn EU, nó sẽ dễ dàng được thay thế hơn so với khí đốt.
Khách hàng năng lượng hàng đầu của EU Moscow
Khi được hỏi về khả năng Gazprom ngừng cung cấp cho các nước EU phụ thuộc vào khí đốt khác, như Đức hoặc Áo, ông Dombrovskis cho biết khối này đã soạn thảo các kế hoạch dự phòng trong nhiều tuần để đối phó kịch bản khắc nghiệt này và sẽ sẵn sàng vượt qua “cơn bão”.
“Đánh giá chung là không phải không có vấn đề, nhưng chúng tôi có thể đối phó tình huống này. Và chúng tôi, trong một thời gian, đang làm việc rất tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt” – ông Dombrovskis giải thích, đồng thời cho biết Mỹ và Na Uy là các bên cung cấp thay thế nhằm lấp đầy khoảng trống của Nga.
“Rõ ràng là chúng tôi không thể nhượng bộ trước trò tống tiền này của Nga. Thậm chí bất kể diễn biến này trong hiện tại, chúng tôi đã quyết định chiến lược rằng chúng tôi sẽ chuyển dịch khỏi năng lượng hóa thạch của Nga” – Phó chủ tịch EC nhấn mạnh.
EC đã đưa ra một lộ trình đầy tham vọng nhằm cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay, chủ yếu thông qua việc mua khí hóa lỏng (LNG), một sản phẩm đắt tiền hơn và đang bán chạy.
Ở thời điểm hiện tại, EU tiếp tục là khách hàng năng lượng hàng đầu của Moscow. Trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến Ukraine, 27 quốc gia thành viên đã chi hơn 44 tỉ euro cho nhiên liệu hóa thạch của Nga, theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch.
Giá năng lượng tăng cao đang cho phép các công ty Nga thu được lợi nhuận khủng từ các khách hàng châu Âu, qua đó giúp Điện Kremlin chịu được tác động của các lệnh trừng phạt gay gắt của phương Tây.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ phải hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong khi Ngân hàng Thế giới cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine sẽ giảm 45% hoặc thậm chí hơn do hậu quả của chiến tranh.
Trong tuần này, EC đã thông báo họ sẽ cấp quy chế “thương mại không hạn ngạch, không thuế quan” cho Ukraine trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình trạng suy thoái kinh tế của nước này.
Theo ông Dombrovskis, EU cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả, đó là cuộc xung đột sẽ “làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU trong năm nay, nhưng nó “sẽ không làm ngưng trệ tăng trưởng”.
Nga đang là nhà cung cấp cho tổng cộng 23 quốc gia châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]