Trong phần lớn sự nghiệp chính trị của mình, ông Suga Yoshihide không phải là người quá nổi bật và thường đứng sau hậu trường. Dù vậy, mọi chuyện sẽ bắt đầu khác đi sau khi ông lần lượt trở thành chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) từ ngày 14-9 và thủ tướng Nhật Bản từ ngày 16-9.
Ông Suga Yoshihide tại cuộc họp báo ở trụ sở LDP hôm 14-9 - Ảnh: Reuters
Đây là thành tựu và là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Suga, người xuất thân trong một gia đình nông dân trồng dâu trước khi đảm nhận vị trí chánh văn phòng nội các thời người tiền nhiệm Abe Shinzo.
Ông Suga chào đời ngày 6-12-1948 tại một ngôi làng phủ đầy tuyết ở tỉnh Akita, phía bắc Nhật Bản. Là con trai trưởng nhưng ông lại không muốn kế nghiệp sự nghiệp gia đình. Vì thế sau khi học xong trung học, ông đã đến Tokyo tìm việc làm. Dù vậy, sau thời gian làm việc tại một nhà máy sản xuất bìa cứng, ông nhanh chóng vỡ mộng và nghỉ việc rồi vào học tại Trường ĐH Hosei năm 1969. Khi đó, ông làm thêm một số công việc để kiếm tiền trang trải học phí.
Suga Yoshihide trong đội bóng chày khi còn học trung học và khi là thành viên một câu lạc bộ Karate ở Trường ĐH Hosei
Vài năm sau khi tốt nghiệp, ông vào làm tại một công ty bảo trì điện tử và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chính trị. Ông trở thành thư ký của một nghị sĩ quốc hội trước khi tranh cử thành công vào Hội đồng Thành phố Yokohama năm 1987.
Ông Suga Yoshihide sau khi được bầu vào Hội đồng TP Yokohama - Ảnh: Kyodo
Điều đáng nói là ông bước chân vào chính trường với sự thiếu thốn kinh nghiệm và các mối quan hệ chính trị. Ông đã bù đắp cho sự thiếu hụt này bằng sự chăm chỉ và tinh thần dám nghĩ dám làm, gõ cửa 300 căn nhà mỗi ngày và tổng cộng 30.000 căn nhà xuyên suốt chiến dịch tranh cử nói trên. Theo LDP, đến thời điểm cuộc bầu cử trên diễn ra, ông Suga đã đi mòn 6 đôi giày.
Cơ hội để ông Suga bước vào chính trường quốc gia đến vào năm 1996 sau khi một chiếc ghế của LDP tại hạ viện bị trống. Ông chính thức trở thành hạ nghị sĩ ở tuổi 47. Ông Suga đã gầy dựng hình ảnh là người tự lập, thành công bằng chính khả năng của mình. Khẩu hiệu ưa thích của ông là "có chí thì nên".
Ông Suga Yoshihide (hàng trên cùng, bên trái) lần đầu được bổ nhiệm vào nội các của Thủ tướng Abe Shinzo năm 2006 - Ảnh:Kyodo
Lý lịch của ông Suga tương phản với người ông vừa kế nhiệm vị trí thủ tướng. Ông Abe Shinzo sinh ra trong một gia tộc chính trị nổi tiếng với bố từng là bộ trưởng ngoại giao. Ông cũng có họ hàng với hai cựu thủ tướng. Trong khi đó, ông Suga được biết đến là một người thương thảo thực dụng đằng sau hậu trường.
Dù vậy, khác biệt này không ngăn hai ông Abe và Suga trở nên thân thiết, một phần vì có chung mong muốn đưa hồi hương công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Ông Suga lần đầu tiên tham gia nội các của Thủ tướng Abe trong nhiệm kỳ đầu tiên (2006-2007) khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Sau đó, ông đóng vai trò quan trọng trong sự trở lại quyền lực của ông Abe vào cuối năm 2012.
Ông Suga Yoshihide (giữa) thăm một khu vực bị động đất tàn phá ở tỉnh Niigata hồi tháng 7-2007 khi là Bộ trưởng Nội vụ - Ảnh: Kyodo
Được biết đến là một người nghiện làm việc, ông Suga có lịch trình hoạt động dày đặc trong gần 8 năm làm chánh văn phòng nội các. Ông thường dậy lúc 5 giờ, đọc tin tức khoảng 1 giờ rồi đi bộ 40 phút, gập bụng khoảng 100 cái, ăn sáng và đến văn phòng lúc 9 giờ. Trong ngày làm việc, ông họp báo 2 lần và tham dự hàng chục cuộc họp. Ông thích dùng món mì soba vào bữa trưa để có thể ăn xong trong vòng 5 phút.
Sau khi rời văn phòng lúc 18 giờ 45 phút, ông ăn tối với các chính khách và học giả để trao đổi quan điểm về chính sách. Ông thường có 2-3 cuộc gặp như thế mỗi tối nên luôn tìm cách ăn vừa phải tại mỗi bữa ăn. Ông hầu như không ngủ tại nhà ở TP Yokohama mà ở lại ký túc xá chính phủ để có thể nhanh chóng ứng phó các tình huống khẩn cấp, nếu có.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (phải) và Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide tại một phiên họp quốc hội ở Tokyo hồi tháng 10-2013 - Ảnh: Kyodo
Ông Suga vẫn là cái tên khá xa lạ với công chúng cho đến tháng 4-2019, thời điểm ông công bố triều đại mới của Nhật Bản. Kể từ đó, ông được mệnh danh "ông chú Reiwa (Lệnh Hòa)" và được nhiều người biết đến hơn. Đệ nhất phu nhân Nhật Bản Mariko cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông Suga thừa nhận mình mất không ít thời gian mới thuyết phục được vợ đồng ý để ông tranh cử vị trí lãnh đạo LDP. Hai người kết hôn năm 1980 và có 3 người con trai.
Không như 2 đối thủ Fumio Kishida (cựu bộ trưởng ngoại giao) và Shigeru Ishiba (cựu bộ trưởng quốc phòng) trong cuộc đua cho vị trí lãnh đạo LDP, ông Suga được xem là không có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Thay vào đó, ông thích tập trung vào những vấn đề trong nước hơn. Trong mắt giới truyền thông, ông là một nhà kỹ trị hơn là người có tầm nhìn. Tuy nhiên, chính ông Suga đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này.
Ông Suga Yoshihide công bố tên triều đại mới của đất nước tại một cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo hồi tháng 4-2019 - Ảnh: Kyodo
Phát biểu sau khi trở thành chủ tịch LDP, ông Suga cam kết thúc đẩy các cải cách cần thiết, cũng như bày tỏ mong muốn duy trì các chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo, người vào tháng rồi tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe sau gần 8 năm cầm quyền. Đáng chú ý, ông Suga cho biết sẽ tiếp tục chiến lược "Abenomics" đặc trưng của ông Abe, tức kết hợp chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông cũng ưu tiên đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) và vực dậy nền kinh tế đang chịu tác động của dịch bệnh này. Ngoài ra, ông cam kết tìm giải pháp cho các vấn đề dài hạn, như dân số già và tỉ lệ sinh thấp.
Về mặt đối ngoại, ông Suga sẽ phải đối mặt với một số thách thức địa chính trị, trong đó nổi bật là xây dựng mối quan hệ tốt với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới và xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông Suga Yoshihide (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước cuộc hội đàm tại thủ đô Washington hồi tháng 5-2019 - Ảnh: Kyodo
Dưới thời Thủ tướng Abe, mối quan hệ Nhật - Trung được đánh giá là có cải thiện nhưng hai bên vẫn còn tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát ở biển Hoa Đông. Trung Quốc hiện đòi chủ quyền quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 9-9 gọi Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh" của nước này và cảnh báo Bắc Kinh có thể mở rộng hoạt động quân sự hóa sang biển Hoa Đông.
Ông Suga Yoshihide đi bộ bên trong một công viên ở TP New York - Mỹ hồi tháng 5-2019 - Ảnh: Kyodo
Tại cuộc tranh luận với hai đối thủ Fumio Kishida và Shigeru Ishiba vào cuối tuần rồi, ông Suga tuyên bố sẽ không nhượng bộ Trung Quốc nếu trở thành thủ tướng. Cũng tại sự kiện này, ông Suga còn bác bỏ những hoài nghi về kỹ năng ngoại giao của mình khi khẳng định "có liên quan đến mọi quyết định mà nước Nhật đã đưa ra" trong 7 năm và 8 tháng làm chánh văn phòng nội các thời ông Abe. Ông Suga cho biết thêm sẽ thực hiện phong cách ngoại giao của riêng mình và tham khảo ý kiến của ông Abe về các vấn đề đối ngoại. "Điều quan trọng là có mối quan hệ vững chắc với các nước châu Á với nền tảng là liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ" - ông Suga khẳng định.
Năng lực tên lửa, hạt nhân đang ngày càng phát triển của Triều Tiên cũng là một vấn đề gây đau đầu khác đối với ông Suga. Trước khi rời nhiệm sở, ông Abe hôm 11-9 cho biết Tokyo vào cuối năm nay sẽ đưa ra kế hoạch mới để đối phó mối đe dọa tên lửa.Thông tin này được đưa ra giữa lúc chính phủ Nhật Bản đang xem xét lựa chọn thay thế kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên mặt đất do Mỹ phát triển để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên hồi tháng 6 qua. Một ủy ban LDP thậm chí còn muốn chính phủ cân nhắc về khả năng tấn công phủ đầu để ngăn chặn tên lửa đạn đạo được phóng từ bên trong lãnh thổ đối phương.