Theo trang Stars and Stripes, một số chuyên gia quân sự đánh giá đây là nỗ lực nhằm xua tan nghi ngờ về năng lực sẵn sàng của quân đội Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đáng kể đến hải quân nước này. Ngoài ra, Mỹ còn muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng nước này đang theo dõi sát sao hành vi leo thang căng thẳng của Bắc Kinh ở biển Đông.
Tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery tại biển Đông hôm 7-5. Ảnh: Hải quân Mỹ
Giới chức Mỹ hôm 8-5 cho biết đã triển khai 2 tàu chiến đến biển Đông sau khi cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng. Tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez của hải quân Mỹ được triển khai để thực hiện sứ mệnh gần khu vực tàu khoan thăm dò dầu khí West Capella hoạt động. Tàu này đang khảo sát dựa trên hợp đồng với Công ty Dầu khí quốc doanh Petronas của Malaysia. Theo trang Breaking Defense, tàu này liên tục bị tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc quấy rối thời gian gần đây, buộc Malaysia phải điều tàu hải quân tuần tra thường xuyên khu vực.
Nhóm tàu chiến Mỹ và Úc tại biển Đông hôm 18-4. Ảnh: Hải quân Mỹ
Đây là lần thứ hai hải quân Mỹ đưa tàu đến khu vực trên để răn đe tàu Trung Quốc trong vài tuần qua. Hồi tháng rồi, 3 tàu chiến Mỹ - tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry - cùng tàu khu trục HMAS Parramatta của Úc tập trận không xa nơi hoạt động của tàu khảo sát Hải dương Địa chất 08 của Trung Quốc.
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ hôm 29-4 thông báo tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải quanh khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Chiến dịch này diễn ra một ngày sau khi Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của nước này đã có động thái tương tự gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh trái). Các thủ thủy trên tàu USS Barry hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.Ảnh: Hải quân Mỹ
Thành viên hải quân Mỹ quan sát trong cuộc tuần tra tự do hàng hải. Ảnh: Hải quân Mỹ
Đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh (MEU) số 31 của Mỹ đã duy trì sự hiện diện trên tàu tấn công đổ bộ USS America ở biển Đông từ ngày 17 đến 24-4-2020. Theo website chính thức của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, nhiệm vụ của MEU 31 là hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trên không, trinh sát trên không và mô phỏng yểm trợ trên không khi ở trên tàu USS America.
Chiến đấu cơ F-35B Lightning II hoạt động trên tàu USS America ở biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong một cuộc diễn tập, MEU 31 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với 2 đại đội súng trường và thử vũ khí. Việc lên kế hoạch, dàn dựng, vận tải và triển khai 2 đại đội lính thủy đánh bộ từ tàu được đánh giá không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Quan chức quân sự Mỹ Jeremy Fisher cho biết điều này rất cần thiết để quân đội thực hiện các nhiệm vụ phản ứng nhanh trong thế giới thực.
Để đối phó các hành động leo thang căng thẳng của Bắc Kinh, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 4-5, Mỹ đã khiến mọi thứ trở nên khó lường hơn với Trung Quốc, như thay đổi sự hiện diện của máy bay ném bom trên đảo Guam, tăng cường các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải...
Máy bay ném bom B-1B Lancer tại Căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam hôm 1-5. Ảnh: Không quân Mỹ
Trước đó, Không quân Mỹ thông báo đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B Lancer đến Căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để huấn luyện và thực hiện "sứ mệnh ngăn chặn chiến lược" tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng không tiết lộ chúng sẽ ở lại đó trong bao lâu. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Không quân Mỹ chấm dứt 16 năm hiện diện thường trực của máy bay ném bom tại đảo Guam.
Các nhà phân tích nhận định chiến thuật này giúp các lực lượng Mỹ khó trở thành mục tiêu hơn so với việc giữ chúng tại các căn cứ cụ thể, như những gì Washington từng làm với máy bay ném bom ở đảo Guam. Ngoài ra, động thái đưa các chiến đấu cơ khổng lồ tới các địa điểm quanh thế giới nhằm khiến đối thủ của Mỹ không thể đoán được hỏa lực của nước này sẽ ở đâu và vào thời điểm này.
Không chỉ biển Đông, Trung Quốc còn có hành động bị chỉ trích là gây hấn ở cả biển Hoa Đông. Mới nhất, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku (do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) hôm 9-5, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp các tàu Trung Quốc tiến vào khu vực này.
Một chiến đấu cơ F-35B Lighting II đáp xuống tàu USS America khi tàu này đi cùng với tàu khu trục JS Akebono của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trước đó một ngày, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố tiếp cận và rượt đuổi một tàu cá Nhật Bản. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản sau đó ra lệnh cho các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, đồng thời điều một tàu tuần tra bảo vệ tàu cá chở 3 ngư dân vừa nêu. Không có ai bị thương trong vụ việc này. Tổng cộng có 4 tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện tại vùng biển trên trong 2 giờ vào chiều 8-5 (giờ địa phương). Theo hãng tin Kyodo, đây là lần đầu tiên tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku kể từ ngày 17-4.
Một máy bay B-1B Lancer cất cánh từ Căn cứ không quân Andersen để tiến hành sứ mệnh huấn luyện ở biển Hoa Đông hôm 4-5. Ảnh: Không quân Mỹ
Hành động leo thang khiêu khích của Trung Quốc ở biển Hoa Đông diễn ra không lâu sau khi quân đội Mỹ công bố một loạt hoạt động tại vùng biển này. Đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh (MEU) số 31 của Mỹ đã triển khai bài tập kéo lưới qua mạn tàu USS America để đưa một trung đội lên một chiếc thuyền bơm hơi dài 11 m. Bài tập này chứng minh khả năng tận dụng thêm không gian trên tàu USS America, đồng thời tăng cường sức mạnh chiến đấu trên biển.
Ngoài ra, Không quân Mỹ vừa xác nhận một nhiệm vụ huấn luyện ở biển Hoa Đông đã được thực hiện "để hỗ trợ các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia".
Máy bay B-1B Lancer. Ảnh: Không quân Mỹ