Tân Hoa Xã hôm 20-3 đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi - đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo thông tin trên, 2 cơ sở mới có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.
Phản ứng trước động thái phi pháp nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. theo đó, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực, tuân thủ quy định của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”.
PGS-TS Vũ Thanh Ca (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định việc Trung Quốc xây dựng và vận hành 2 trạm nghiên cứu khoa học nói trên là động thái vô cùng nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm biển Đông của nước này.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, bằng cách lợi dụng tình hình dịch bệnh để triển khai 2 trạm nghiên cứu khoa học này, Trung Quốc muốn nhân cơ hội cộng đồng quốc tế đang căng mình chống dịch để đặt các nước, nhất là các nước xung quanh biển Đông có vùng biển đang bị nước này xâm phạm, vào sự đã rồi.
Ngày 2-4, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá Việt Nam QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này vi phạm chủ quyền và đe dọa mạng sống của ngư dân Việt Nam ở biển Đông. Đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam.
"Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Philippines cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc và ủng hộ Việt Nam trong vụ tàu cá bị đánh chìm. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh điều quan trọng là phải tránh những sự cố tương tự, đồng thời giải quyết sự khác biệt bằng cách tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Cơ quan này còn bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam, đề cập tới vụ tàu cá F/B Gem-Ver của Philippines bị lực lượng Trung Quốc đâm chìm hồi năm ngoái, sau đó thủy thủ đoàn được tàu Việt Nam giải cứu.
Ngoài việc lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu về yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Bắc Kinh ở biển Đông của Nga khẳng định cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng chuyên gia thuộc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học Âu - Á, ông Grigory Trofimchuk, cho biết những hành động không phù hợp như vậy của Bắc Kinh bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng nước này cố tình phớt lờ. Một chuyên gia người Nga khác, GS Vladimur Kolotov đến từ Trường ĐH Quốc gia St. Petersburg, chỉ ra rằng Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng khoảng thời gian toàn cầu gồng mình chống đại dịch Covid-19 để mở rộng ảnh hưởng.
Hãng tin Reuters hôm 14-4 cho biết tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo trang Marine Traffic, tàu này được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158 km. Đi kèm nó là ít nhất một tàu hải cảnh làm nhiệm vụ bảo vệ.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông . "Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông" - người phát ngôn nêu rõ.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sau đó nhiều lần nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Sau khi Việt Nam kiên quyết phản đối, nhóm tàu Hải Dương này đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cuối tháng 10-2019.
Đến ngày 16-4 năm nay, tàu Hải Dương 8 di chuyển đến gần bờ biển Malaysia và Brunei. Theo Reuters hôm 17-4, tàu này đã bám theo tàu khai thác dầu West Capella của công ty dầu khí Petronas (Malaysia) hoạt động ở biển Đông. Theo dữ liệu của Marine Traffic, tàu Hải Dương 8 vẫn ở trong EEZ của Malaysia hôm 18-4.
Trung Quốc hôm 18-4 công bố Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa phê chuẩn thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa", trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" của nước này. Việc Trung Quốc công bố 2 đơn vị hành chính cấp huyện này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, một quốc gia khi thực hiện chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình, hoàn toàn có quyền thành lập các đơn vị hành chính các cấp để áp dụng mọi biện pháp quản lý nhà nước trong phạm vi lãnh thổ được phân cấp đó.
Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới. "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai" - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cùng ngày, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario kêu gọi chính phủ nước này phản đối việc Trung Quốc ngang ngược thành lập hai cơ quan hành chính nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Del Rosario cũng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang đối phó với đại dịch Covid-19 để theo đuổi những yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển Đông, gây tổn hại cho các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.
Nhà phân tích về biển Đông của Trường ĐH New South Wales (Úc), ông Carl Thayer, gọi hành động mới đây của Trung Quốc là "khiêu khích", "bất hợp pháp" và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm". Động thái của Bắc Kinh cũng vi phạm DOC đã được Trung Quốc và các thành viên ASEAN ký kết vào năm 2002.
Ông Thayer đề cập đến Đoạn 5 của DOC, trong đó nêu rõ: "Các bên cam kết tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định ở biển Đông". Chuyên gia này nhận định: "Hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp nghiêm trọng tình hình khu vực và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở biển Đông".
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cảnh báo việc ngang ngược đòi quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam dường như là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. "Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang diễn ra. Rõ ràng là Trung Quốc đang tìm kiếm thêm lợi ích trên biển Đông trước khi COC được ban hành. Ngay cả nếu COC không được thông qua, Bắc Kinh khi đó cũng đã ở một vị thế mạnh hơn rất nhiều trên biển Đông" - chuyên gia Collin Koh của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) khẳng định.