Ecuador: Tàu Trung Quốc đang 'cưỡng hiếp' Galapagos
Từ tháng 6, hơn 300 tàu cá Trung Quốc với nhiều tàu có tải trọng 1.000 tấn đánh bắt quanh quần đảo Galapagos của Ecuador và phá hoại cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây.
Theo tờ South China Morning Post ngày 24-10, kể từ tháng 6, hơn 300 tàu cá Trung Quốc với nhiều tàu có sức chứa 1.000 tấn đã chờ sẵn ở khu vực quanh Galapagos (Ecuador), sẵn sàng đánh bắt sinh vật biển khi nó di cư về phía nam đến vùng biển ngoài khơi Peru và Chile.
Theo một số ước tính, Trung Quốc có một đội tàu đánh cá xa bờ gồm 17.000 tàu đã tham gia vào các cuộc xung đột đánh bắt ngoài khơi bờ biển Tây Phi, Argentina và Nhật trong những năm gần đây. Tương tự, hiện đội tàu này đang cản trở cuộc sống của người dân Ecuador và Peru - hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào nghề đánh bắt gần bờ.
Một tàu đánh cá của Trung Quốc. Ảnh: GETTY
Bà Angel Yanez Vinueza, thị trưởng bang Santa Cruz (Ecuador) cho biết: "Đây là một cuộc tấn công vào các nguồn lực của chúng tôi. Họ đang giết chết các loài mà chúng ta đã bảo vệ và làm ô nhiễm hệ sinh vật của chúng ta bằng chất thải nhựa mà họ thả xuống tàu. Họ đang 'cưỡng hiếp' Galapagos'".
Kể từ mùa hè năm ngoái, số lượng tàu đã tăng đột biến. Vào cuối tháng 8, Ecuador đã phải nhờ lực lượng cảnh sát biển Mỹ giúp hải quân của họ tuần tra khu vực.
Thuyền trưởng Brian Anderson, sĩ quan chỉ huy của tàu tuần duyên Bertholf (Mỹ), cho biết Trung Quốc đã đưa một tàu chở dầu vào, cung cấp nhiên liệu cho các tàu khác và tàu chế biến và mang cá các tàu đó đánh bắt được trở về nước.
Ông lưu ý rằng đội tàu có tất cả những thứ cần thiết để ở ngoài hàng tháng trời mà không cần trở về cảng quê hương.
Theo ông, một số tàu của Trung Quốc đã không báo cáo chính xác vị trí nhưng vì không có quyền tài phán trong khu vực nên lực lượng tuần duyên Mỹ chỉ có thể theo dõi các tàu này.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng họ "không khoan nhượng" đối với việc đánh bắt cá trái phép. Trong một tuyên bố ngày 23-7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Quito cho biết Bắc Kinh tôn trọng các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển của Ecuador.
Nhưng theo ông John Serafini - giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu thương mại và quốc phòng có trụ sở tại Virginia, cho biết nghiên cứu của công ty ông dựa trên tần số vô tuyến và hình ảnh vệ tinh để xử lý chuyển động đã cho thấy nhiều tín hiệu đáng ngờ đến từ bên trong khu vực vào mùa hè này.
Vào năm 2017, một tàu đánh cá của Trung Quốc bị chặn ngoài khơi Galapagos bị phát hiện chở 300 tấn cá, trong đó có hàng chục nghìn con cá mập bị đánh bắt trái phép.
Thị trưởng Vinueza cho biết sự hiện diện liên tục của đội tàu là một cuộc tấn công vào việc bảo tồn và sinh kế của cư dân của ông, đặc biệt là khi đối mặt với sự tàn phá kinh tế mà công viên đang phải gánh chịu.
Cảnh quan ở một đảo thuộc Galapagos. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Quần đảo Galapagos thuộc Ecuador nổi tiếng với một địa điểm lặn được người dân địa phương gọi là "đấu trường cá". Ở đây, trong làn nước mát lạnh của Thái Bình Dương, hàng ngàn con cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, tôm hùm thò chiếc râu dài ra khỏi mỏm đá, cá heo mang con non và cá chình moray ngoe nguẩy dọa những du khách bơi quá gần.
Nhà khoa học Charles Darwin đã ghi lại hệ sinh vật phong phú của những hòn đảo này vào đầu những năm 1800. Gần đây, một mạng lưới không chính thức của các tàu du lịch và tàu đánh cá địa phương đã ra sức bảo vệ nó, bằng cách để mắt đến những người có thể gây hại cho di sản UNESCO.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã cản trở hoạt động này và tạo cơ hội cho những người có ý đồ xấu.
Nguồn: [Link nguồn]
Đội tàu cá ước tính lên tới hơn 250 chiếc của Trung Quốc gần đây tập trung sát vùng đặc quyền kinh tế của Peru để...