Đứt 2 tuyến cáp quang ở biển Baltic, Đức nói 'không phải tình cờ'
Phần Lan, Đức, Lithuania và Thuỵ Điển đang điều tra 2 vụ đứt cáp quang biển ở biển Baltic và chưa đưa ra cáo buộc đích danh thủ phạm.
Hai tuyến cáp quang biển trên biển Baltic gặp sự cố từ cuối tuần trước khiến giới chức một số nước châu Âu nghi ngờ có hành vi phá hoại liên quan tới chiến sự ở Ukraine, trang tin Channel News Asia hôm 20-11 cho hay.
Công ty viễn thông Cinia (Phần Lan) hôm 18-11 báo cáo rằng cáp ngầm “C-Lion1” kết nối Helsinki (Phần Lan) với Rostock (Đức) đã bị cắt ở điểm cách Helsinki khoảng 700 km, nằm ở phía nam đảo Oland ven bờ biển Thuỵ Điển.
Các kỹ sư Phần Lan hạ đặt tuyến cáp quang "C-Lion1" hồi năm 2015. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn của Cinia cho rằng sự cố đứt cáp quang biển như vậy không thể xảy ra “nếu không có tác động từ bên ngoài”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Phần Lan, bà Elina Valtonen đã ra tuyên bố chung liên quan vụ việc này, nghi ngờ việc đứt cáp quang biển có liên quan tới “cuộc chiến tranh hỗn hợp của những kẻ xấu”.
Ngày 19-11, người phát ngôn của chi nhánh tại Lithuania của hãng viễn thông Telia – ông Audrius Stasiulaitis cho biết cáp ngầm “Arelion” giữa đảo Gotland (Thuỵ Điển) với Lithuania đã gặp sự cố từ hôm 17-11.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng sự gián đoạn lưu lượng truy cập internet không phải do lỗi thiết bị mà là do hư hỏng vật chất đối với cáp quang” – ông Stasiulaitis nói.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Thuỵ Điển và Lithuania nhấn mạnh rằng sự cố này phải được đánh giá trong bối cảnh châu Âu nhận thấy “mối đe doạ ngày càng tăng” liên quan tới các hoạt động của Nga.
Bốn quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ 2 đứt cáp quang biển này là Phần Lan, Đức, Lithuania và Thuỵ Điển đều đang tiến hành điều tra.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng sự cố đứt cáp quang biển cùng lúc trên 2 tuyến “C-Lion1” và “Arelion” xảy ra không tình cờ, mà là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy có điều gì đó đang diễn ra”.
“Chúng tôi phải nói rằng, dù không biết chính xác ai là bên gây ra [sự cố đứt cáp quang biển] nhưng đây là một hành vi [chiến tranh] hỗn hợp, … đây là hành động phá hoại” – ông Pistorius nói.
Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Thuỵ Điển Carl-Oskar Bohlin khẳng định “cần phải làm rõ lý do tại sao chúng ta có 2 tuyến cáp ở biển Baltic hiện không hoạt động”.
Ông Bohlin cho biết giới chức Thuỵ Điển đang điều tra các tàu hoạt động trong khu vực tại thời điểm các tuyến cáp quang bắt đầu gặp sự cố.
Một số hãng truyền thông Thuỵ Điển và Phần Lan cho biết chính quyền các nước liên quan đã xác định một tàu hàng rời khỏi biển Baltic vào sáng 19-11 là đối tượng cần quan tâm điều tra.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến sự ở Ukraine, tình hình biển Baltic – nơi tiếp giáp với cả Nga và nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – cũng căng thẳng hơn. Cả NATO và Nga đều tăng cường lực lượng quanh biển Baltic.
Một loạt vụ nổ hồi tháng 9-2022 đã làm vỡ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream giữa Nga và châu Âu. Một đường ống dẫn khí đốt giữa Phần Lan và Estonia phải ngừng hoạt động hồi tháng 10-2023 do va chạm với mỏ neo của một tàu hàng.
Nghi phạm Vladimir Z rời Ba Lan trên một chiếc xe của Đại sứ quán Ukraine, báo Đức hôm 29/8 đưa tin.
Nguồn: [Link nguồn]