Đường Tăng của tác phẩm Tây Du ký thật ra là người như thế nào?

Đường Tam Tạng nổi tiếng trong tác phẩm Tây Du ký của Ngô Thừa Ân là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng với chuyến du hành về miền đất phật Ấn Độ, cùng với sự đóng góp to lớn, cho sự phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc.

Đường Tăng là một nhân vật nổi tiếng, có thật trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)

Đường Tăng là một nhân vật nổi tiếng, có thật trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)

Theo Bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Đường Huyền Trang hay Đường Tăng, tên thật là Trần Huy (có tài liệu viết là Trần Vĩ), sinhvào khoảng những năm 600 – 602. Ông sống ở thời Tùy – Đường, một trong những giai đoạn đầy biến cố của lịch sử Trung Quốc.

Vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại, Đường Tăng đã được cha là Trần Huệ chỉ dạy những kiến thức về Nho giáo từ rất sớm.

Đường Tăng có hai người anh trai, đều xuất gia, tu tại chùa Tịnh Thổ ở thành Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam - Trung Quốc ngày nay, vì vậy, ông đã sớm được tiếp xúc với Phật giáo. Ông cũng nổi tiếng là thông minh và hiểu biết rất nhiều về kinh phật ngay từ khi còn nhỏ.

Năm 13 tuổi, Đường Tăng chính thức xuất gia, lấy pháp hiệu là Huyền Trang. Ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu kinh phật, đi thăm thú các chùa chiền và đàm đạo với những vị tăng sư đức cao vọng trọng.

Ngay từ khi còn nhỏ, Đường Tăng đã bộc lộ sự thông minh và am hiểu Phật pháp (ảnh minh họa)

Ngay từ khi còn nhỏ, Đường Tăng đã bộc lộ sự thông minh và am hiểu Phật pháp (ảnh minh họa)

Đường Tam Tạng là danh hiệu được những tăng nhân cùng thời đặt cho Đường Tăng, nhằm ca ngợi sự hiểu biết của ông, đối với ba bộ kinh văn cốt yếu trong đạo Phật, đó là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

Trong quá trình học hỏi, nghiên cứu, nghe giảng kinh phật, Đường Tăng đã phát hiện ra rất nhiều sự mâu thuẫn giữa các trường phái, dòng và nhánh của Phật giáo tại Trung Quốc lúc bấy giờ.

Chính vì vậy, ông nung nấu ý định du hành tới Ấn Độ, nơi khởi nguồn của Phật giáo, để giải quyết những thắc mắc của mình và có thể mang về Trung Quốc những kinh văn nguyên gốc.

Tuy nhiên, trái với sự ủng hộ nhiệt tình của hoàng đế như miêu tả trong tác phẩm Tây Du ký, dù đã hai lần dâng tấu xin đi, vua Đường khi đó là Đường Thái Tông vẫn cấm Đường Tăng du hành sang Ấn Độ.

Nguyên nhân được giải thích là vào thời gian đó, nhà Đường mới được thành lập, tình hình trong nước còn rất nhiều bất ổn, nên việc xuất quan bị nghiêm cấm.

Mặc dù vậy, Đường Tăng vẫn không từ bỏ quyết tâm. Năm 629, lợi dụng chính sách của triều đình khi khuyến khích người dân về quê cũ, được tự do đến những vùng đất mới để khai hoang, mở rộng đất đai sản xuất nông nghiệp, Đường Tăng đã trốn khỏi Trung Quốc và thực hiện chuyến du hành đến Ấn Độ.

Đường Tăng quyết chí đến Ấn Độ để học hỏi về Phật giáo (ảnh minh họa)

Đường Tăng quyết chí đến Ấn Độ để học hỏi về Phật giáo (ảnh minh họa)

Theo cuốn Đại Đường tây vực ký do chính Đường Tăng viết, trong cuộc hành trình của mình, Đường Tăng đã đi qua 128 nước lớn nhỏ, vượt hơn 5 vạn dặm đường (khoảng 25.000 km), trải qua muôn vàn khó khăn và nguy hiểm.

Ông đã nhiều lần phải đối mặt với sự đói khát, bệnh tật, giặc cướp và những sa mạc nóng cháy trên cuộc hành trình. Có những lúc ông đã phải nhịn đói khát suốt 7, 8 ngày liên tục, khi một mình băng qua những sa mạc rộng lớn.

Sau khi vượt qua sa mạc, Đường Tăng tới vương quốc Cao Xương. Quốc vương Cao Xương là Khúc Văn Thái, cũng là một tín đồ Phật giáo. Ông đã cử sứ giả đi nghênh đón Đường Tăng.

Quốc vương của nước Cao Xương đã tỏ ra vô cùng mến mộ và khâm phục nghị lực của Đường Tăng. Ông đã tiếp đãi Đường Tăng vô cùng long trọng, kết bái làm huynh đệ. Quốc vương cũng đề nghị Đường Tăng ở lại nước Cao Xương tu hành, không nên đến Ấn Độ nữa. Đường Tăng dĩ nhiên không chấp nhận. Quốc vương nói: “nếu ông khăng khăng không chịu ở lại, ta sẽ áp giải ông về Trung Thổ”.

Đường Tăng đã tuyệt thực để phản đối trong hàng chục ngày. Cuối cùng, ý chí kiên định của ông đã làm nhà vua cảm động. Vua Cao Xương để ông ra đi, còn viết một bức thư riêng tới các nước láng giềng, đề nghị đối xử với Đường Tăng thật tử tế.

Đường Tăng đã phải trải qua muôn vàn gian khổ trong suốt cuộc hành trình (ảnh minh họa)

Đường Tăng đã phải trải qua muôn vàn gian khổ trong suốt cuộc hành trình (ảnh minh họa)

Đường Tăng tiếp tục cuộc du hành về phía tây, đi dọc theo con đường phía bắc núi Thiên Sơn. Ông vượt qua những nơi hiểm trở như cao nguyên Tây Vực, xuyên qua Afghanistan, thung lũng Kashmir (vùng biên giới của Ấn Độ và Pakistan ngày nay).

Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, trải qua 2 năm gian khổ, Đường Tăng cuối cùng cũng tới được Ấn Độ. Ông đã dành nhiều thời gian thăm viếng những di tích của đạo Phật ở đây.

Ngoài ra, Đường Tăng còn ra sức học chữ Phạn và dành nhiều thời gian nghiên cứu về triết học Phệ Đà từ những học giả Bà La Môn, để có thể hiểu rõ hơn về Phật giáo.

Đường Tăng sau đó xin trở thành đệ tử của Giới Hiền – vị sư được coi là người đứng đầu của Phật giáo Ấn Độ lúc bấy giờ. Giới Hiền cũng là trụ trì của chùa Na Lạn Đà, ngôi chùa lớn nhất Ấn Độ khi đó, với hơn 3.000 tăng nhân.

Đường Tăng đã dành phần lớn thời gian còn lại tại Ấn Độ để tu tại chùa Na Lạn Đà và học tập theo sư phụ Giới Hiền. Sau 6 năm học tập, Đường Tăng trở thành một trong ba vị đệ tử xuất sắc nhất của vị cao tăng này.

Đường Tăng tới Ấn Độ và ra sức học tập tại đây (ảnh minh họa)

Đường Tăng tới Ấn Độ và ra sức học tập tại đây (ảnh minh họa)

Bằng sự học hỏi không ngừng nghỉ và trí tuệ hơn người, Đường Tăng ngày càng trở nên nổi tiếng tại Ấn Độ, danh tiếng của ông cũng truyền về tận Trung Quốc.

Theo tờ Qulishi, vào năm 645, sau 17 năm rời Đại Đường, Đường Tăng quyết định trở về Trung Quốc. Khi về, ông đã mang theo 150 viên xá lợi (tinh cốt của các vị đức phật), 7 tượng phật bằng gỗ quý và 657 bộ kinh phật. Số kinh phật này được cho là đã phải dùng đến cả voi, lạc đà và 24 con ngựa mới chở hết.

Năm 645, Đường Tăng đặt chân đến Trường An, kinh đô của nhà Đường lúc bấy giờ. Hàng trăm quan lại triều đình, cùng với hơn một vạn dân kinh thành đã ra chào đón ông và tổ chức một đại lễ lớn chưa từng có.

Dưới sự giúp đỡ của Đường Thái Tông, Đường Tăng đã dành 19 năm sau đó, để dịch lại số kinh phật mình mang về, sang tiếng Trung Quốc, tất cả được hơn 1.000 cuốn.

Đường Tăng cũng viết bộ sách nổi tiếng “Đại Đường Tây Vực ký”, gồm 12 quyển. Nội dung sách miêu tả về những phong tục tập quán, văn hóa, địa lý, lịch sử, tôn giáo của 128 nước mà ông đã đi qua.

Tuy nhiên, để tránh bị hoàng đế lợi dụng vào mục đích chiến tranh, Đường Tăng đã không hề đề cập gì đến tình hình chính trị của những nước này trong bộ sách. Đại Đường Tây Vực ký về sau được xem là một trong những tác phẩm lớn nhất của Trung Hoa, được dịch thành nhiều ngôn ngữ và phổ biến rộng rãi.

Ngoài ra, còn có cuốn “Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư truyện”, do hai đệ tử của Đường Tăng viết, nội dung chủ yếu kể lại những điều mà bản thân Đường Tăng đã trải nghiệm được, trong suốt chuyến hành trình đến Ấn Độ.

Nội dung của hai bộ sách này sau đó đã được Ngô Thừa Ân khai thác, để viết nên cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký nổi tiếng thế giới.

Sau khi trở về Trung Quốc, ông đã dành thời gian còn lại của đời mình để dịch lại những bộ kinh phật (ảnh minh họa)

Sau khi trở về Trung Quốc, ông đã dành thời gian còn lại của đời mình để dịch lại những bộ kinh phật (ảnh minh họa)

Cũng theo Qulishi, vào đầu năm 664, Đường Tăng nói với các nhà sư đang dịch kinh thư cùng mình và các đệ tử: “Ta chắc sẽ viên tịch năm 65 tuổi. Nếu ai còn muốn hỏi câu gì, hãy mau hỏi sớm”.

Những đệ tử của Đường Tăng nghe nói vậy đều vô cùng ngạc nhiên: “Tại sao sư phụ lại nói như vậy, khi người còn chưa sống đến được 70, 80 tuổi, như những cao tăng khác?”, Đường Tăng chỉ trả lời: “Ta tự biết ta”.

Tháng 2 cùng năm đó, Đường tăng viên tịch, hơn 100 vạn người dân Trung Hoa từ khắp nơi đã tới đưa tiễn ông. Sau khi đám tang cử hành xong, lại có đến 3 vạn người cất lều ở lại canh giữ mộ phần của Đường Tăng.

Có thể nói, từ xưa đến nay, tại Trung Quốc chưa từng có vị sư nào được ngưỡng mộ và sùng bái như vị thánh tăng này. Chuyến hành trình của Đường Tăng không chỉ có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Trung Hoa, mà còn thúc đẩy sự giao thương của những quốc gia châu Á lúc bấy giờ.

Trận đánh kinh hồn: 6 vạn quân Bát Kỳ tiêu diệt 14 vạn quân Minh - Triều

Phải chiến đấu với lực lượng quân Minh đông hơn gấp bội, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã vận dụng những sách lược quân sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN