Đường sắt cao tốc dài nhất thế giới của Trung Quốc: Vì sao càng chạy càng chậm?
Được thiết kế để chạy với vận tốc tối đa 350km/giờ, chỉ sau hơn 6 năm hoạt động, tàu vận hành trên tuyến đường sắt này phải chạy với tốc độ 200km/giờ, thậm chí thấp hơn ở nhiều đoạn. Nhiều người Trung Quốc cho rằng tuyến đường sắt tiêu tốn hơn 22,5 tỷ USD để xây dựng này không xứng với 2 chữ “cao tốc”.
Tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới Urumqi – Lan Châu được Trung Quốc đầu tư “khủng” (ảnh: SCMP)
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng, Urumqi – Lan Châu – tuyến đường sắt dài 1.776 km chạy qua sa mạc Gobi nóng bỏng – đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão cát và vận hành không được như mong đợi.
“Gió mạnh mang theo lượng cát lớn trên sa mạc có thể làm tăng lực cản đối với tàu chạy trên tuyến đường sắt cao tốc Urumqi – Lan Châu. Bão cát ở sa mạc rất mạnh. Chỉ một trận bão cũng có thể làm tróc sơn trên thân tàu”, Jin Afang – giáo sư cơ khí tại Đại học Tân Cương – nói.
Theo giáo sư Jin, việc tàu chạy trên tuyến Urumqi – Lan Châu có thể bị bão cát ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay là điều các nhà thiết kế chưa lường hết trong quá trình thi công. Xử lý vấn đề tốc độ tàu bị chậm lại cần rất nhiều tiền. Thậm chí có tiền cũng chưa chắc giải quyết được triệt để.
Năm 2014, Trung Quốc vận hành tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới Urumqi – Lan Châu với hy vọng có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách và phát triển kinh tế ở Tân Cương – khu vực được xem là “miền Viễn tây” của Trung Quốc.
Đường sắt cao tốc Urumqi – Lan Châu được đánh giá là có thể vận hành ổn định ở nhiệt độ, khí hậu đặc biệt của vùng sa mạc và đạt vận tốc tối đa lên đến 350km/giờ. Tuyến đường sắt này cũng là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Được kỳ vọng là sẽ giúp quốc gia tỷ dân tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Á – Âu. Đây cũng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới chạy qua sa mạc với số tiền đầu tư cực lớn: hơn 22,5 tỷ USD.
Bão cát trên sa mạc khiến tuyến Urumqi – Lan Châu không thể vận hành như mong muốn (ảnh: SCMP)
“Không đạt kỳ vọng. Kể từ khi vận hành, gió lớn đã làm trật bánh 13 đoàn tàu đang chạy với vận tốc bình thường trên tuyến Urumqi – Lan Châu. 79 toa tàu bị lật, gây ảnh hưởng lớn tới sự an toàn của hành khách và làm gián đoạn hoạt động kinh tế”, nghiên cứu từ Đại học Tân Cương cho hay.
“Bão cát không chỉ ảnh hưởng tới phần đầu của một con tàu đang đi ngược chiều gió mà còn gây nhiễu động, mất ổn định tới cả phần phía sau. Tốc độ càng lớn thì tàu càng khó giữ thăng bằng. Điều này khiến vận tốc trung bình của các toàn tàu chạy trên tuyến Urumqi – Lan Châu giảm dần qua các năm”, giáo sư Jin nhận xét.
Ở sa mạc Gobi, mỗi năm có tới 9 tháng thường xuất hiện các cơn bão cát với tốc độ gió lên đến 60 mét/giây.
“Hàng trăm km tường bảo vệ được xây dựng 2 bên đường ray để giảm sức gió lên các đoàn tàu. Tuy nhiên cách này không mấy khả khi. Ở các khu vực đón gió lớn nhất trên tuyến Urumqi – Lan Châu, tường bảo vệ bị cát chôn vùi chỉ sau vài năm. Đường hầm cho tàu chạy qua cũng là một giải pháp. Tuy nhiên lái tàu nói rằng họ cảm thấy tàu bị rung lắc rất dữ dội, mất an toàn khi vừa ra khỏi hầm”, giáo sư Jin nói.
“Các giải pháp để bảo vệ tuyến đường sắt cao tốc Urumqi – Lan Châu rất tốn kém nhưng chưa đem lại hiệu quả. Để giúp các đoàn tàu chạy nhanh hơn trên sa mạc Gobi, tiền không quan trọng bằng chất xám”, giáo sư Jin kết luận.
Khoảng 4 – 5 năm trước, Trần Sơn đặc biệt gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc bởi ngoại hình khác biệt, không mấy...
Nguồn: [Link nguồn]