Được Trung Quốc đổ núi tiền khổng lồ, thành phố Campuchia ngập nặng?
Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đổ dồn vào Sihanoukville đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Campuchia này, nhưng cũng đem đến những mối lo ngại, đặc biệt là lũ lụt.
Mưa lớn đã khiến thành phố Sihanoukville chìm trong nước hồi tháng trước.
Theo SCMP, Maggie Eno và nhân viên người Campuchia buộc phải lội qua dòng nước đục ngầu cao tới đùi khi tới dọn dẹp trụ sở làm việc. Thành phố Sihanoukville mới bị ngập nặng vì lũ lớn chưa từng có.
"Tòa nhà của chúng tôi đã ở đây 11 năm và chưa bao giờ thấy ngập lụt lớn như vậy", Eno, đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận M'lop Tapang nói, "Người dân ở đây hết sức lo lắng. Tình hình rất nguy hiểm".
Trận lụt nặng nề ở Sihanoukville đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Theo thống kê, tổng cộng có 1.736 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 937 ngôi nhà bị ngập nước và 456 người phải đi sơ tán.
Sihanoukville tọa lạc ở ven biển nên người dân ở đây không lạ gì lũ quét, đặc biệt trong các tháng mùa mưa. Nhưng mức độ ngập lụt như hiện tại thì chưa từng thấy.
Tha Sok Lay, chủ một nhà hàng ở bãi biển Otres, nói chỉ trong vòng 1 giờ, nước đã dâng cao tới 1m. Cô và nhân viên phải bỏ nhà hàng tới khu vực cao hơn, nhìn cơ ngơi của mình bị tàn phá bởi dòng nước nguy hiểm,
"Lũ lụt tới rất nhanh", Sok Lay kể lại, "Chuyện này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Không ai sẵn sàng cho tình huống ấy, nên chúng tôi không biết làm thế nào”.
90% các khoản đầu tư vào Sihanoukville là của người Trung Quốc.
Thon Ratha, chuyên viên của tổ chức phi chính phủ về môi trường Mother Nature Cambodia, nói vấn đề nằm ở các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào thành phố. Các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trong khi hệ thống thủy lợi lại không đáp ứng tương xứng. Hoạt động quản lý dòng chảy và xử lý chất thải chịu áp lực lớn.
"Các dự án xây dựng đang được thực hiện với tốc độ tên lửa", Thon Ratha nhận định, "Có quá nhiều khách sạn và sòng bài được xây dựng trong một thành phố nhỏ mà hạ tầng không đáp ứng được”.
Nhiều hệ thống lọc nước tự nhiên cũng bị lấp, bao gồm cả các khu vực hồ và đầm lầy. Phần lớn diện tích hồ Boeung Prek Tub đã bị lấp để mở đường cho các công trình xây dựng. "Hồ này thu về rất nhiều nước trong suốt mùa mưa, còn giờ đây nó đã bị lấp để phục vụ phát triển", Ratha nói.
Son Dara, nhân viên một sòng bài ở khu vực trung tâm, nói suốt 7 năm ở Sihanoukville, anh chưa từng chứng kiến trận lụt tồi tệ như vậy. "Thường thì ngập úng xảy ra trong một thời gian ngắn và nước rút đi sau 1 tiếng đồng hồ. Hồ Boeung Prek Tub chỉ còn khoảng 5% diện tích nên nước chẳng có nơi nào để chảy đi".
Từ khi ngập úng thường xuyên xảy ra, chính quyền địa phương đã bắt đầu nỗ lực tìm cách đối phó, như mở rộng sông hồ để trữ nước, sửa chữa và nâng cấp hệ thống kênh mương. Các chuyên gia từ thủ đô Phnom Penh cũng có mặt để đánh giá tình hình.
Người dân Sihanoukville cố gắng làm giảm tác động của lũ lụt.
Eno cũng đồng tình rằng vấn đề nằm ở các tòa nhà cao tầng đang mọc lên như nấm, chủ yếu do nguồn đầu tư từ Trung Quốc. “Thành phố cần phải phục vụ con người và xây dựng vì con người. Nhưng điều đó không diễn ra ở Sihanoukville. Chúng ta cần kế hoạch phát triển bài bản hơn, để cơ sở hạ tầng bắt kịp với tiến độ chung”.
Hồi tháng 7, chính quyền địa phương hé lộ 90% các khoản đầu tư xây dựng ở Sihanoukville đến từ người Trung Quốc, trong số 156 khách sạn và nhà nghỉ trong khu vực, 150 là của chủ đầu tư Trung Quốc. Có tới 48/62 casino mới được xây dựng có dấu ấn của Trung Quốc. Tỉ lệ nhà hàng của người Trung Quốc ở Sihanoukville là 95/436.
Thon Ratha cũng kêu gọi chính quyền giám sát chặt chẽ hơn các dự án đầu tư và xây dựng, liên quan đến vấn đề an toàn. Hồi tháng 6, 28 công nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 7 tầng ở Sihanoukville. 3 công dân Trung Quốc và một người Campuchia bị bắt sau vụ việc.
Sau trận lụt nặng, người dân Sihanoukville bắt đầu ổn định lại cuộc sống, dọn dẹp thành phố. Nhưng có những mối lo ngại rằng những trận mưa lớn trong tương lai có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. “Điều chúng tôi lo lắng là chuyện gì sẽ xảy ra nếu mưa lớn quay trở lại”, Eno nói.
Một thành phố ở Canada đang trở thành nơi đầu tiên trên thế giới phải đối phó với những cơn “đại hồng thủy“ tiền...