“Đứng ngồi không yên” vì bạo loạn ở Kazakhstan, vì sao Trung Quốc không can thiệp?
Một tuần qua, Kazakhstan trải qua bất ổn chưa từng thấy, với các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn lật đổ. Trung Quốc bày tỏ mong muốn giúp đỡ và hy vọng tình hình ở Kazakhstan sớm trở lại ổn định, nhưng Bắc Kinh không có bất cứ hành động cụ thể nào.
Cựu lãnh đạo Kazakhstan Nazarbaev (trái) tham dự một sự kiện có sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quóc Tập Cận Bình.
Khi các cuộc biểu tình quy mô lớn xuất hiện trên khắp Kazakhstan, biến thành bạo loạn, Trung Quốc vẫn im lặng dù chia sẻ đường biên giới dài 1.782km. Trung Quốc coi đây là vấn đề nội bộ và hi vọng tình hình ở Kazakhstan sẽ sớm ổn định, theo đài RFE/RL có trụ sở ở châu Âu.
Đến ngày 7.1, khi Tổng thống Kazakhstan Qasym-Zhomart Toqaev tuyên bố cuộc bạo loạn do những kẻ khủng bố kích động, nhằm âm mưu lật đổ chính quyền, Trung Quốc mới lên tiếng ngỏ ý giúp đỡ.
Nhưng đến lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa hơn 3.000 quân tinh nhuệ và các khí tài quân sự tới Kazakhstan bằng 75 máy bay vận tải.
Các nhà phân tích nhận định, cách Bắc Kinh phản ứng với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng là chiến lược chung đối với toàn bộ Trung Á, nơi mà Trung Quốc theo đuổi các lợi ích kinh tế, nhưng vẫn phải dè chừng đến một gã khổng lồ. Đó là Nga.
Bắc Kinh đã thể hiện sự thận trọng, một mặt ủng hộ Tổng thống Toqaev, mặt khác giữ khoảng cách với liên minh Nga-Kazakhstan.
“Trung Quốc hiểu rằng nước này không có sức ảnh hưởng ở Kazakhstan lớn như Nga, không muốn vô tình gây thêm những rắc rối”, Temur Umarov, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói trên đài RFE/RL.
“Bắc Kinh có cách tiếp cận thực dụng đối với cuộc khủng hoảng này và chỉ mong Kazakhstan sớm ổn định trở lại”, ông Umarov nhận định.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã chi nhiều tiền của để xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Kazakhstan. Hàng chục tỉ đô la được Trung Quốc đổ vào các lĩnh vực năng lượng ở Kazakhstan, coi quốc gia này là “bệ phóng cho Sáng kiến Vành đai Con đường”.
Lực lượng của liên minh CSTO tới Kazakhstan chống khủng bố.
“Đứng ngồi không yên” vì đối tác chiến lược rơi vào cảnh bạo loạn, Trung Quốc chỉ có thể quan sát từ xa, xem Nga phản ứng như thế nào.
Nga can thiệp quân sự ở Kazakhstan một cách chớp nhoáng, sớm đánh bại các phần tử khủng bố, cho thấy Kazakhstan vẫn hoàn toàn nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow.
Ông Umarov nhận định, đây là điều có thể khiến Trung Quốc bất ngờ, nhưng không đến mức khiến Bắc Kinh ra vẻ phản đối.
“Trung Quốc hiểu vị thế của Nga ở Trung Á. Cạnh tranh giữa hai quốc gia chưa gay gắt. Nga thành công ở Kazakhstan cũng đem lại lợi ích cho Trung Quốc”, ông Umarov nói.
“Nếu Nga can thiệp trên danh nghĩa bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga, Trung Quốc có lý do để quan ngại”, Raffaello Pantucci, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia London (Anh), nói. “Nhưng chính Tổng thống Toqaev đề nghị ông Putin giúp đỡ. Trung Quốc hoàn toàn coi đây là điều chấp nhận được”.
Mặt khác, Trung Quốc từ lâu đã quan ngại về nguy cơ các nhóm Hồi giáo cực đoan gây bất ổn ở khu tự trị Tân Cương. Nếu vội vàng can thiệp vào Kazakhstan, Trung Quốc có thể khơi dậy thêm sự hận thù, tạo cơ hội để các phần tử cực đoan từ biên giới Kazakhstan tràn sang Tân Cương.
Hôm 11.1, đại sứ Kazakhstan tại Trung Quốc, Gabit Koishibayev đã khẳng định các nhóm cực đoan đã bị lực lượng an ninh trấn áp, không có nguy cơ gây bất ổn sang Trung Quốc.
“Các tổ chức khủng bố sẽ không tràn qua biên giới Kazakhstan-Trung Quốc. Không có nguy cơ ở thời điểm hiện tại”, ông Koishibayev nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Chính phủ Kazakhstan cũng cam kết bảo đảm an toàn cho công dân và tài sản của Trung Quốc ở nước này. Các hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã được khôi phục, đại sứ Koishibayev nói thêm.
Cuối cùng, theo chuyên gia Umarov, “Trung Quốc không có mong muốn đưa quân sang chiến đấu ở Kazakhstan”. Bắc Kinh chỉ thể hiện sự ủng hộ khi Moscow đã can thiệp.
“Trung Quốc muốn chờ đợi và xem chuyện gì xảy ra”, ông Umarov nói. “Ai nắm quyền ở Kazakhstan cũng không thể xem nhẹ quan hệ với Trung Quốc, vì ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh là rất lớn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Động thái can thiệp của Nga ở quốc gia láng giềng Kazakhstan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chiến lược địa kinh...