Dung mạo vua Pharaoh Ai Cập được tái tạo từ bộ hài cốt khiến cộng đồng mạng trầm trồ
Nhiều cư dân mạng không khỏi trầm trồ trước nhan sắc của vị vua Ai Cập cổ đại. Khuôn mặt sở hữu những đường nét hài hòa và sống mũi cao.
Theo tờ Livescience, hình ảnh khuôn mặt được tái hiện từ một hài cốt gọi là KV 55 được phát hiện năm 1907 ở Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings), Ai Cập, cách lăng mộ của Tutankhamun không xa. Người ta cho rằng đây là hài cốt của Pharaoh Akhenaten, cha ruột của vua Tutankhamun.
Hình ảnh kỹ thuật số được tái tạo bởi Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng học Pháp y, Cổ sinh học (FAPAB) ở Sicily. Hình ảnh cho thấy một người đàn ông ở độ tuổi 20 với hàm dài, đôi mắt sâu, cùng với sống mũi cao.
Hình ảnh khuôn mặt với những đường nét hài hòa, sống mũi cao được tái hiện từ hài cốt KV55 (được cho là của Pharaoh Akhenaten) phát hiện năm 1907.
Nhờ công nghệ hiện đại, một phân tích DNA đã được thực hiện khoảng một thế kỷ sau khi KV 55 được tìm thấy, cho thấy đó chính là cha ruột của vua Tutankhamun.
Quá trình tái tạo khuôn mặt mất nhiều tháng để hoàn thành, nhưng không giống như những hình ảnh trước đó của KV 55, nhóm nghiên cứu đã không tái tạo tóc, đồ trang sức hoặc các trang sức khác để chỉ tập trung vào các đặc điểm trên khuôn mặt.
Các nhà khoa học đã sử dụng một quy trình gọi là phương pháp Manchester cho dự án này, trong đó xem xét cả độ dày của mô mềm và cơ mặt khi tái tạo khuôn mặt.
“Nhóm nghiên cứu cũng thu thập được một lượng lớn dữ liệu về xác ướp bí ẩn như các cuộc kiểm tra thể chất trước đó đối với hộp sọ, các phép đo và chụp X-quang”, nhà khảo cổ Galassi nói.
'Việc tái tạo khuôn mặt này làm sống lại, theo một cách ẩn dụ, một trong những xác ướp gây tranh cãi và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới”, nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Hài cốt gọi là KV55 được phát hiện năm 1907 ở Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings).
Không chỉ xác ướp được cho là gây tranh cãi, bản thân Akhenaten cũng bị bủa vây bởi tranh cãi khi ông cai trị Ai Cập .
Khi Akhenaten lên nắm quyền, ông đã từ bỏ truyền thống thờ nhiều vị thần của Ai Cập để chuyển sang thuyết độc thần và chỉ bày tỏ lòng tôn kính với một thần mặt trời có tên là Aten.
Sự thay đổi này không được chấp nhận rộng rãi ở Ai Cập cổ đại, vì toàn bộ nền văn hóa của họ tập trung vào nhiều vị thần.
Khi Akhenaten qua đời, người dân đã tháo dỡ và cất giấu các tượng đài của Pharaoh quá cố và tên của ông đã bị xóa khỏi danh sách những người cai trị.
Tuy nhiên, tôn giáo đa thần trước đó đã được tái lập sau khi con trai của Akhenaten, Tutankhamun lên ngôi. Tut bắt đầu trị từ năm 8 tuổi và cai trị trong khoảng chín năm. Tuy nhiên, vị vua trẻ gặp vấn đề về sức khỏe do cha mẹ là anh em ruột. Việc tái tạo lại khuôn mặt và cơ thể của anh ấy đã cho thế giới thấy một cái nhìn thoáng qua về những căn bệnh mà anh ấy có thể đã phải chịu đựng.
Vua Tut có hàm răng vẩu, bàn chân khoèo và hông thiếu nữ, theo kết quả kiểm tra chi tiết nhất từ trước đến nay về hài cốt của Pharaoh Ai Cập cổ đại.
Các nhà nghiên cứu cho biết, Tut đã phải chống gậy để đi lại trong thời kỳ cai trị của mình vào thế kỷ 14 TCN.
Một cuộc 'khám nghiệm tử thi ảo', bao gồm hơn 2.000 lần quét máy tính, đã được thực hiện song song với phân tích gen của gia đình Tutankhamun, nhằm hỗ trợ bằng chứng cho thấy cha mẹ ông là anh chị em.
Các nhà khoa học tin rằng điều này khiến anh ta bị suy giảm thể chất do mất cân bằng nội tiết tố.
Bằng chứng về những hạn chế về thể chất của Vua Tut cũng được chứng minh bằng 130 chiếc gậy chống đã qua sử dụng được tìm thấy trong lăng mộ của ông.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng Tutankhamun bị gãy chân và chết vì nhiễm trùng ngay sau đó.
Năm 1907, Lord Carnarvon George Herbert đã yêu cầu nhà khảo cổ học người Anh và nhà Ai Cập học Howard Carter giám sát các cuộc khai quật ở Thung lũng các vị vua.
Vào ngày 4/11/1922, nhóm của Carter đã tìm thấy các bậc thang dẫn đến lăng mộ của Tutankhamun. Họ mở phòng chôn cất và phát hiện ra chiếc quan tài vào tháng 2 năm sau.
Lăng mộ là một trong những ngôi mộ xa hoa nhất được phát hiện trong lịch sử, chứa đầy những đồ vật quý giá để hỗ trợ Pharaoh trẻ tuổi trong chuyến du hành sang thế giới bên kia.
Kho mộ gồm 5.000 vật phẩm bao gồm giày tang bằng vàng nguyên khối, tượng, đồ chơi và động vật kỳ lạ.
Kích thước nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun, cùng với vị thế của ông trong lịch sử Ai Cập, đã khiến các chuyên gia bối rối trong nhiều năm. Cụ thể, buồng chôn cất của Tutankhamun có kích thước tương đương với một gian phòng, thay vì một lăng mộ dành cho Vua Ai Cập.
Nhà Ai Cập học người Anh Nicholas Reeves cho biết sự phong phú của đồ đạc được nhồi nhét trong căn phòng nhỏ của Tutankhamun là 'quá tải'.
Nguồn: [Link nguồn]
Xác ướp Ai Cập cổ đại 2.000 tuổi, được cho là thuộc về một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở thành cổ Thebes,...