Đụng độ ở biên giới: Ấn Độ có thể gây tổn hại cho Trung Quốc như thế nào?
Trong khi New Delhi và Bắc Kinh chính thức đồng ý không leo thang căng thẳng biên giới sau cuộc đụng độ chết chóc đêm 15/6, giới truyền thông đã có nhiều suy đoán về các phương án đối phó của Ấn Độ với Trung Quốc.
Gậy có gắn đinh được binh sĩ Trung Quốc sử dụng trong vụ đụng độ mới nhất với quân nhân Ấn Độ. Ảnh: India Today
Tờ SCMP hôm 19/6 đưa tin, người dân đang kêu gọi chính phủ Ấn Độ có động thái "đáp trả" sau cái chết của 20 quân nhân nước này trong cuộc đụng độ hồi đầu tuần với binh lính Trung Quốc.
Trong lúc thi thể các binh sĩ Ấn Độ được đưa về nhà, truyền hình địa phương đã ghi lại cảnh đám đông tụ tập và biểu tình ở nhiều thành phố.
Hình ảnh về một nhóm người ở bang Gujarat đập phá một chiếc ti vi được cho là của thương hiệu Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn. Ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Tư pháp xã hội Ấn Độ, đề xuất cấm các cửa hàng bán thực phẩm Trung Quốc.
Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kings (Anh), cho biết cuộc khủng hoảng căng thẳng biên giới là một bước ngoặt trong quan hệ Trung - Ấn.
"Chính sách của Ấn Độ với Trung Quốc dựa trên giả định vấn đề biên giới được tuân thủ. Nhưng giả định này hoàn toàn thất bại sau các căng thẳng gần nhất. Ấn Độ không thể có mối quan hệ bình thường với Trung Quốc khi biên giới đang sôi sục", giáo sư Harsh nhận định.
Khi chính phủ Ấn Độ chưa cho thấy dấu hiệu chính thức nào về hành động chống lại Trung Quốc sau căng thẳng biên giới, truyền thông nước này đưa tin New Delhi đang tìm cách hạn chế lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc ở Ấn Độ - từ việc yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính phủ không dùng thiết bị do Bắc Kinh sản xuất cho tới việc xem xét lại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chính phủ được trao cho nhà thầu Trung Quốc.
Chiến thuật thay đổi
6 năm qua, Ấn Độ tập trung vào cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 18 lần trong khoảng thời gian này, trong đó có 2 hội nghị thượng đỉnh song phương không chính thức ở Vũ Hán (Trung Quốc) năm 2018 và Chennai (Ấn Độ) năm 2019.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: India Express
Các nhà ngoại giao của New Delhi khẳng định cách tiếp cận của họ là tăng cường quan hệ đôi bên và không cho phép các vấn đề như tranh chấp biên giới là trọng tâm.
Các nhà phân tích chính sách như Madhav Das Nalapat cho rằng điều này sắp thay đổi.
"Từ lâu, Ấn Độ khẳng định tranh chấp biên giới không làm lu mờ quan hệ Trung - Ấn ở các lĩnh vực khác. Giờ đây, điều này không còn nữa. Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ cho thấy hoạt động thương mại giữa 2 bên sẽ không còn bình thường như trước", Madhav Das Nalapat, nhà phân tích chính sách tại Khoa Địa chính trị và Quan hệ quốc tế, đại học Manipal (Ấn Độ), cho hay.
Giáo sư Harsh, học giả tại Đại học Kings (Anh), cho biết sẽ có sự thay đổi nhanh chóng trong các chính sách ngoại giao của New Delhi với Bắc Kinh.
"Theo cách nào đó, căng thẳng biên giới mới nhất đã giải phóng chính sách ngoại giao của Ấn Độ. New Delhi từng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi muốn duy trì quan hệ bình đẳng cả với Washington và Bắc Kinh. Sau đụng độ mới nhất với Trung Quốc, Ấn Độ dù không ngả hẳn về Mỹ nhưng cũng thay đổi thái độ với Trung Quốc", giáo sư Harsh nhận định.
Sự thay đổi thái độ của Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc phải chịu tổn thất về kinh tế.
"Ấn Độ giờ có thể gạt bỏ dự án cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng mạng 5G Ấn Độ. Chúng ta cũng thấy các công ty Trung Quốc bị cấm tham gia đấu thầu các công trình nhà nước và cũng có sự hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ. Những động thái này sẽ được đẩy nhanh", vị học giả tại Đại học Kings cho hay.
New Delhi giờ đây sẽ phải cân nhắc sự liên kết địa chính trị của mình. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington có ý định xây dựng một liên minh toàn cầu để đối phó Trung Quốc hậu Covid-19, bằng cách mời Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và Nga vào nhóm G7 mở rộng.
Cuộc đụng độ đêm 15/6 có thể đẩy New Delhi gần hơn với việc nắm bắt các cơ hội tương tự lời đề nghị tham gia G7 của Mỹ. Nó cũng có thể khuyến khích Ấn Độ tham gia vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu - được lập ra nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thêm căng thẳng biên giới
Sáng 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Anurag Srivastava, cho biết Trung Quốc không nên đưa ra "những tuyên bố thái quá" về vấn đề tranh chấp ở thung lũng Galwan, đề cập đến việc các quan chức cấp cao Trung Quốc khẳng định khu vực này thuộc quyền kiểm soát của họ.
Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở phần lãnh thổ sát biên giới của nước mình, được phân định bởi Đường kiểm soát thực tế (LAC) và các nhà phân tích dự đoán 2 bên sẽ tăng cường hoạt động quân sự hóa ở khu vực biên giới tranh chấp.
Một chỉ huy quân sự hàng đầu của Ấn Độ, người từng chịu trách nhiệm tại khu vực biên giới, cho biết đụng độ vẫn có thể tiếp tục giữa 2 bên.
"Cách cuộc đụng độ đêm 15/6 diễn ra đã gây ra sự phẫn nộ, nhất là việc áp dụng vũ khí thời trung cổ như gậy gắn đinh... Binh sĩ Ấn Độ sẽ chờ thời cơ để có hành động đáp trả", vị chỉ huy quân sự Ấn Độ giấu tên cho biết.
Vinod Bhatia, Trung tướng quân đội Ấn Độ nghỉ hưu, cho biết nước này cần tăng cường khẩn cấp khả năng phòng thủ.
"Khả năng căng thẳng leo thang thành chiến tranh khó xảy ra nhưng chúng tôi vẫn phải xem xét lại tất cả thỏa thuận và giao thức về quản lý biên giới giữa 2 nước để làm mới chúng", Trung tướng Bhatia nói.
"Khu vực gần đường LAC sẽ rất hỗn loạn trong những năm tới, trừ khi một giải pháp lâu dài được đưa ra. Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược hơn nhưng Ấn Độ cũng đã kiểm soát tốt hơn ở khu vực biên giới với việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự và tuần tra thường xuyên", tướng Bhatia nói thêm.
Một thành viên hội đồng quốc hội Ấn Độ tuyên bố, con số thương vong của binh sĩ Ấn Độ cao gấp 10 - 12 lần so với...
Nguồn: [Link nguồn]