Đụng độ "chết chóc" Trung - Ấn: Có leo thang thành chiến tranh biên giới?

Sau cuộc đụng độ “đẫm máu” mới nhất của quân đội Trung Quốc - Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp, điều mà nhiều người quan tâm là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ nhau tại khu vực biên giới tranh chấp đêm 15/6. Cả 2 bên đều có thương vong về người.

Ấn Độ ban đầu tuyên bố có 3 quân nhân thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan và 2 binh sĩ nhưng sau đó cập nhật thêm 17 binh sĩ khác tử vong sau đụng độ do bị thương nặng và thời tiết quá lạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về thương vong của binh lính nước này trong đụng độ. Theo truyền thông Ấn Độ, con số thương vong bên phía Trung Quốc là 43 người.

Không có báo cáo về việc sử dụng súng trong cuộc đụng độ "chết chóc" đêm 15/6. Các binh sĩ thương vong do bị ném đá hoặc trúng gậy của đối phương. Vụ việc được tờ Foreign Policy xem như một thất bại lớn trong việc giảm căng thẳng biên giới giữa 2 nước. Câu hỏi được đặt ra lúc này là: Liệu căng thẳng leo thang có dẫn tới chiến tranh biên giới Trung - Ấn?

Nguồn gốc căng thẳng biên giới

Dù thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 nhưng mối quan hệ này của Trung Quốc và Ấn Độ nhanh chóng bị suy giảm liên quan tới việc tranh chấp biên giới Himalaya.

Các đường biên giới được phân định không rõ ràng, dẫn đến tình trạng tranh chấp ở nhiều khu vực. Chiến tranh biên giới Trung - Ấn (1962), đụng độ Doklam (2017) hay cuộc đụng độ đầu tháng 5/2020 là minh chứng rõ nhất cho tình trạng này.

Ngoài ra, việc Trung Quốc ủng hộ Pakistan trong các tranh chấp biên giới với Ấn Độ và sáng kiến "Vành đai, con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến Ấn Độ lo ngại, nhất là hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, một tập hợp các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Từng có đụng độ tương tự giữa 2 bên trong quá khứ?

Không có bất cứ trường hợp tử vong hoặc lần nổ súng nào dọc biên giới Trung - Ấn kể từ sau vụ đụng độ giữa nhóm tuần tra Ấn Độ và Trung Quốc năm 1975.

Nhưng Trung Quốc đã có các cuộc xung đột với Ấn Độ và Liên Xô trong suốt những năm 1960, thời kỳ đỉnh cao của cuộc cách mạng Văn hóa.

Đỉnh điểm trong cuộc xung đột với Ấn Độ là lần đụng độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu tại khu vực biên giới Sikkim - Tây Tạng, với hàng trăm binh sĩ thương vong ở cả 2 bên. Biên giới Liên Xô - Trung Quốc cũng xảy ra đụng độ với số thương vong tương đương nhưng căng thẳng với Ấn Độ leo thang hơn, dẫn đến lo ngại về một cuộc chiến toàn diện, thậm chí là chiến tranh hạt nhân, nhưng cuộc gặp ngoại giao cấp cao nhất giữa 2 bên đã giúp ngăn chặn thảm họa này.

Căng thẳng có tiếp tục leo thang thành chiến tranh biên giới?

Ấn Độ tuyên bố "cả 2 bên" đang cố gắng để "xuống thang" căng thẳng nhưng vẫn cáo buộc Trung Quốc cố tình xâm phạm lãnh thổ và từ bỏ thỏa thuận được đưa ra trong các cuộc đàm phán gần nhất giữa 2 nước.

Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng khắt khe hơn, cáo buộc Ấn Độ cố tình khởi xướng các cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ tranh chấp ở thung lũng Galwan, Ladakh.

Cuộc đụng độ quyết liệt ở Doklam năm 2017 được xoa dịu thành công và sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Ấn giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc ). Nhưng các cuộc đụng độ mới nhất có thể dễ dàng vượt quá tầm kiểm soát.

Nếu số người chết của 2 bên thực sự cao trong vụ đụng độ đêm 15/6, hành động trả đũa có thể sẽ xảy ra. Đại dịch Covid-19 dường như đã tạo ra tâm lý bất ổn ở Trung Quốc, dẫn đến một hình thức ngoại giao mới có tên là "Chiến Lang". Giới chức Trung Quốc đang chịu áp lực đáng kể để thực hiện chủ nghĩa dân tộc.

Trong khi đó, Ấn Độ ngày càng lo lắng về cách Bắc Kinh đang "bao vây" New Delhi. Trung Quốc coi Pakistan là đồng minh chủ chốt, tăng cường quan hệ với Sri Lanka và Nepal - 2 nước "ngoảnh mặt" với Ấn Độ những năm gần đây - và tập trung đầu tư vào Bangladesh.

Ngoài ra, tình hình hiện tại đã khác so với các lần Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ nhau trong những năm 1960-1970 - khi kinh tế 2 nước còn tương đương nhau. Giờ đây, GDP của Trung Quốc đã gấp 5 lần Ấn Độ và chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh cũng gấp 4 lần New Delhi.

Sau cuộc đụng độ mới nhất, một tác động về kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Ví dụ, người Ấn Độ gần đây tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và một ứng dụng điện thoại có tên "Loại bỏ ứng dụng Trung Quốc" (Remove China Apps) nhanh chóng đứng đầu lượng tải về của kho ứng dụng Google ở Ấn Độ trước khi bị cấm.

Căng thẳng biên giới gia tăng cũng khiến người Ấn Độ ở Trung Quốc gặp khó khăn. Dù số lượng đã giảm do đại dịch Covid-19 nhưng số lượng doanh nghiệp và sinh viên Ấn Độ tại Trung Quốc vẫn rất lớn. Trong đợt đụng độ Doklam, cảnh sát Bắc Kinh đã theo dõi và kiểm tra nhà của những người Ấn Độ trong thành phố.

Một cuộc khủng hoảng leo thang không nhất thiết phải là một cuộc chiến toàn diện. Nó có thể là nhiều tháng giao tranh và đụng độ dọc biên giới với nhiều hơn con số thương vong. Nhưng bất cứ cuộc đụng độ nào cũng có thể châm ngòi cho việc quân đội 2 bên nổ súng vào nhau.

Nhưng điều kiện khắc nghiệt ở dãy Himalaya đã hạn chế phần lớn hoạt động quân sự. Binh sĩ cần mất tới 2 tuần để thích nghi với độ cao, điều kiện hậu cần và tiếp tế vô cùng hạn chế, sức chiến đấu của không quân cũng bị ảnh hưởng lớn.

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng, hầu hết nhà phân tích nhận định quân đội Trung Quốc sẽ nắm lợi thế. Nhưng binh sĩ Ấn Độ thường xuyên đối mặt với tranh chấp biên giới với Pakistan vì vậy họ được xem là lực lượng có kinh nghiệm hơn.

Có giải pháp triệt để nào cho vấn đề tranh chấp biên giới hay không?

Trung Quốc đã giải quyết các cuộc xung đột biên giới với Nga và một số nước khác trong những năm 1990, 2000 thông qua nỗ lực ngoại giao lớn của các bên và việc trao đổi lãnh thổ. Tuy nhiên, tranh chấp biên giới với Ấn Độ ở dãy Himalaya nhạy cảm và khó giải quyết hơn.

Kiểm soát độ cao dọc theo biên giới mang lại lợi thế quân sự lớn trong các cuộc xung đột trong tương lai. Các vấn đề liên quan tới tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, khiến vấn đề tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya nhạy cảm hơn. Khoảng 1,4 tỷ người đang sống nhờ vào nguồn nước lấy từ các con sông có nguồn gốc từ Himalaya. Ngoài ra, không giống tranh chấp song phương ở dọc biên giới phía bắc, khu vực Himalaya, ngoài Trung Quốc - Ấn Độ, còn có sự góp mặt của Nepal, Bhutan và Pakistan.

Tất cả những yếu tố trên khiến một giải pháp triệt để cho vấn đề tranh chấp biên giới Trung - Ấn tại Himalaya gần như "bất khả thi".

Toàn cảnh đợt căng thẳng biên giới Trung - Ấn ”chết chóc” nhất trong 4 thập kỷ

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đêm 15/6 đã đụng độ trong một cuộc xung đột chết chóc nhất sau 45 năm. Theo truyền thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Foreign Policy ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN