Đụng độ biên giới Trung - Ấn: Trung Quốc mới là bên chịu áp lực lớn?

Chi tiết về vụ đụng độ đêm 15.6 giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã được tiết lộ. Quân đội Trung Quốc cho phá một con đập để dòng nước tràn xuống gây rối loạn đối phương và tấn công binh sĩ Ấn Độ khi nhóm này đòi phá dỡ một trạm quan sát ở thung lũng Galwan, theo The Guardian.

Người nhà của một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ đêm 15.6 than khóc trong tang lễ (ảnh: The Guardian)

Người nhà của một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ đêm 15.6 than khóc trong tang lễ (ảnh: The Guardian)

Binh sĩ Trung - Ấn đã chiến đấu với nhau suốt nhiều giờ. Một số quân nhân Ấn Độ ngã xuống sông Galwan và thiệt mạng. 10 binh sĩ Ấn Độ bị giữ lại đã được quân đội Trung Quốc trả về. Tổng cộng có 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Thương vong của phía quân đội Trung Quốc chưa được xác nhận.

“Những gì diễn ra cho thấy vụ đụng độ dường như là hành động có chủ ý của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Đường kiểm soát thực tế (LAC). Mặc dù thông tin về vụ đụng độ là rời rạc và chủ yếu được cung cấp từ phía Ấn Độ nhưng rõ ràng là Trung Quốc có tăng cường hiện diện quân sự ở LAC. Quân đội Trung Quốc không những củng cố các vị trí thuộc khu vực đang kiểm soát mà còn xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng ở biên giới với Ấn Độ”, Andrew Small – chuyên gia cao cấp tại quỹ Marshall (Đức) – nhận xét.

Theo các chuyên gia, đây rõ ràng không phải thời điểm tốt để Trung Quốc gây hấn với “người hàng xóm lớn” Ấn Độ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với quân đội thường trực ở mức lớn.

Theo đánh giá của Đại học Harvard và chuyên gia Frank O'Donnell – thuộc Học viện chiến tranh hải quân Mỹ – Ấn Độ đang có ưu thế trong việc triển khai quân sự dọc LAC so với Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc duy trì một lực lượng khoảng 200.000 binh sĩ ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, trong khi lực lượng của Trung Quốc phải chia đều cho biên giới với Nga, khu vực Tây Tạng, Tân Cương thì Ấn Độ chủ yếu triển khai binh sĩ dọc LAC.

Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng ở dịch Covid-19. Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ - một đồng minh quan trọng của Ấn Độ - cũng đang “cơm không lành canh không ngọt”. Việc Trung Quốc muốn thông qua dự luật an ninh mới cho Hong Kong cũng vấp phải sự lo ngại và phản đối của một số quốc gia, tổ chức.

Binh sĩ Trung Quốc ở biên giới (ảnh: Hoàn Cầu)

Binh sĩ Trung Quốc ở biên giới (ảnh: Hoàn Cầu)

Trung Quốc cũng đang được cho là muốn phát động chiến tranh thương mại với Úc. Những rắc rối xung quanh việc giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) – Mạnh Vãn Châu có thể bị Canada dẫn độ sang Mỹ cũng đang cần được giải quyết.

Một số chuyên gia cho rằng, vụ đụng độ xảy ra ở biên giới Ấn Độ là phản ứng của Trung Quốc trước các sức ép nhằm không muốn thể hiện sự yếu đuối về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

“Tôi cho rằng vụ đụng độ là cách Trung Quốc phản ứng trước những áp lực trong nước và quốc tế mà quốc gia này đang phải chịu đựng”, Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận định.

“Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Bắc Kinh đang cho thấy sự cứng rắn trong quan điểm về giải quyết tranh chấp biên giới như một cách thể hiện rằng nước này không hề chịu ảnh hưởng”, chuyên gia Taylor Fravel nói thêm.

Binh sĩ Ấn Độ được huấn luyện leo núi (ảnh: Hindustan Times)

Binh sĩ Ấn Độ được huấn luyện leo núi (ảnh: Hindustan Times)

Những tổn thất về sinh mạng của các binh sĩ sẽ khiến Ấn Độ không thể ngồi yên. Trung Quốc sẽ khó càng thêm khó khi chính quyền của Thủ tướng Modi thể hiện thái độ cứng rắn hơn.

Cả dư luận xã hội và chính trường ở Ấn Độ đều đang sục sôi trước những tổn thất đối với binh sĩ nước này chịu đựng sau vụ đụng độ với quân đội Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài về kinh tế, đối ngoại Trung - Ấn và khiến Bắc Kinh chịu nhiều sức ép hơn, theo các chuyên gia.

“Bắc Kinh vừa đánh mất cả một thế hệ những người Ấn Độ coi Trung Quốc như một cơ hội để phát triển đất nước. Giờ đây, nhiều người Ấn Độ sẽ nói họ không thể tin vào Trung Quốc”, Tanvi Madan, giám đốc dự án Ấn Độ tại Viện Brookings, nhận định.

TQ quyết giữ im lặng về thương vong sau vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ

Ngày 22.6, Trung Quốc tiếp tục từ chối bình luận về số thương vong của binh sĩ nước này sau vụ đụng độ đêm 15.6 khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – The Guardian, Hindustan Times ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN