Đức, Pháp tích cực vận động Ukraine đàm phán với Nga
Dù ủng hộ và hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nhưng phương Tây vẫn ưu tiên thúc đẩy đối thoại để kết thúc xung đột, tránh đổ máu thêm.
Tuần rồi, bốn lãnh đạo châu Âu - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis cùng sang Kiev.
Các lãnh đạo của Đức, Pháp, Ý và Romania đã đi tàu hỏa qua đêm để đến vào sáng 16-6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của bốn lãnh đạo đến Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2. Biểu hiện của các lãnh đạo châu Âu tại Kiev cho thấy một điều rằng dù ủng hộ và hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga nhưng phương Tây vẫn ưu tiên thúc đẩy đối thoại để kết thúc xung đột, tránh đổ máu thêm.
Một cuộc đối thoại giữa Moscow và Kiev sẽ là việc “cần thiết để tìm ra cách xây dựng một nền hòa bình bền vững” một khi “chiến tranh” kết thúc và các nội dung cần bàn là về các đảm bảo an ninh cho Ukraine và mối quan hệ của Kiev với NATO, trang tin Politico dẫn một số nguồn tin ngoại giao Pháp. |
Đức, Pháp muốn làm trung gian hòa giải
Trao đổi với kênh truyền hình TF1 ngày 16-6 trong khi đang ở Kiev, Tổng thống Pháp Macron khẳng định lại sự ủng hộ với Ukraine nhưng cũng cho biết Paris sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn xung đột leo thang hơn nữa. Nói rằng “đó là vai trò của Pháp”, ông Macron không loại trừ khả năng đích thân sang Moscow vì mục tiêu này.
Trước khi sang Kiev, đầu tuần trước, Tổng thống Macron đã cảnh báo rằng sự thù địch kéo dài với Nga không phải là giải pháp lâu dài khả thi cho an ninh châu Âu. Ông khẳng định quan điểm của mình rằng nếu muốn xung đột nhanh kết thúc thì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “sẽ phải đàm phán với Nga”, đồng thời gợi ý rằng Pháp có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.
Trao đổi với hãng tin DPA hôm 16-6, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đưa thông điệp của phương Tây tới Moscow. Cho rằng “việc nói chuyện với ông Putin là hoàn toàn cần thiết”, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ cố gắng tận dụng cơ hội đối thoại với ông Putin để đưa ra một số tuyên bố “rõ ràng” với Nga.
Cả Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron đều khẳng định mình chủ trương duy trì liên lạc với Tổng thống Putin kể cả khi Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Ý Mario Draghi (trái) “họp thượng đỉnh” trên chuyến tàu tới Kiev vào ngày 16-6. Ảnh: AP
Ngày 15-6, một ngày trước khi bốn lãnh đạo châu Âu sang Kiev, ông Victor Andrusiv - phụ tá của bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết kêu gọi nước này quay lại đàm phán với Nga là một trong bốn mục tiêu của các lãnh đạo châu Âu. Ông cho biết “theo thông tin của tôi, các ông Macron, Scholz và Draghi sẽ chấp nhận tư cách ứng cử viên Liên minh châu Âu của chúng tôi… và yêu cầu chúng tôi quay lại quá trình đàm phán với ông Putin”.
Nhiều phức tạp
Dù ưu tiên thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine để kết thúc xung đột nhưng Thủ tướng Đức Scholz cũng cho biết ông sẽ cố gắng nói với ông Putin rằng chủ trương của EU là sẽ không áp đặt một “hòa bình sai khiến” đối với Ukraine bằng cách yêu cầu Kiev nhượng bộ Moscow để chấm dứt xung đột. Thủ tướng Scholz cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine và đưa ra các điều kiện thỏa thuận có thể chấp nhận được.
Thủ tướng Scholz cũng khẳng định rằng Berlin sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine “miễn là Ukraine cần sự hỗ trợ của chúng tôi”. Ông cho biết quân đội Đức hiện đang huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng vũ khí hạng nặng do Đức sản xuất, trong đó có pháo tự hành PzH 2000 và pháo phòng không tự hành Gepard, đồng thời một lần nữa hứa sẽ cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine. Dù truyền thông Đức bao gồm tờ Bild trước đó cho biết nguồn vũ khí sẽ không có trước tháng 11, tuy nhiên ông Scholz khẳng định các chuyến hàng vũ khí sẽ đến “đúng giờ” để hỗ trợ Kiev trong trận chiến giành lại Donbass.
Tổng thống Pháp Macron thì muốn Nga đáp ứng một số điều kiện tiên quyết. Dù không nói chính xác điều kiện gì nhưng ông Macron cho biết ông muốn đối thoại với ông Putin một cách “minh bạch” và sẽ chỉ tiến hành gặp mặt khi nhận thấy điều đó “hữu ích”.
Về phần Nga, ngày 16-6, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga thời điểm này vẫn hoài nghi về viễn cảnh Ukraine quay lại bàn đàm phán. Nga hy vọng châu Âu “sẽ không chỉ hỗ trợ Ukraine bằng cách tập trung vào việc bơm đầy vũ khí cho Ukraine”, vì cách làm này sẽ “hoàn toàn vô ích” và sẽ chỉ “kéo dài sự đau khổ của người dân và gây thêm thiệt hại cho đất nước này”. Thay vào đó, Nga hy vọng bốn nhà lãnh đạo châu Âu có thể sử dụng “những cuộc tiếp xúc này” để khiến Tổng thống Zelensky áp dụng “lập trường thực tế về tình hình”, theo ông Peskov.
Trên Twitter, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev không lạc quan về khả năng nối lại đàm phán cũng như kết quả đàm phán. Theo ông, “điều đó sẽ không có ích lợi gì”, các chuyến thăm của các chính trị gia phương Tây tới Kiev không góp phần đưa ra giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột.
Viễn cảnh khôi phục đàm phán còn xa Nga và Ukraine đã tổ chức một số vòng đàm phán và đã đạt được một số tiến bộ để có thể hình thành một thỏa thuận hòa bình. Kiev cam kết duy trì tình trạng trung lập và hạn chế hợp tác quân sự với NATO để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc hàng đầu thế giới, trong đó có Nga. Tuy nhiên, đàm phán đã bị đình trệ sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở thị trấn Bucha gần Kiev. Theo RT, việc Nga rút quân khỏi khu vực quanh Kiev và một số vùng lãnh thổ khác của Ukraine hồi đầu tháng 4 là một cử chỉ thiện chí nhằm thúc đẩy khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng người dân của ông sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với những cáo buộc Nga thảm sát ở Bucha, điều mà Moscow phủ nhận. Ông Zelensky tuyên bố rằng thay vì tìm kiếm một thỏa hiệp thì Ukraine sẽ giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường, với sự trợ giúp của vũ khí nước ngoài, viện trợ của Mỹ và các đồng minh. Các quan chức Ukraine đổ lỗi cho tốc độ trang bị chậm chạp của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến việc Ukraine bị mất thêm lãnh thổ về tay các lực lượng Nga, cũng như con số thương vong cao mà Ukraine phải gánh chịu trong cuộc giao tranh. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Đức ARD ngày 19-6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng quân đội nước này sẽ tiếp tục chiến đấu chống Nga ngay cả khi không có vũ khí, vì khi đó Ukraine “sẽ chiến đấu bằng xẻng”. Ông Kuleba cũng kêu gọi phương Tây tăng tốc viện trợ vũ khí cho Ukraine. |
Ukraine đã chính thức lên tiếng về vụ tấn công giàn khoan thuộc sở hữu của một công ty Nga ở ngoài khơi Biển Đen, khiến nhiều người bị thương và mất tích.
Nguồn: [Link nguồn]