Đức nói sẵn sàng từ bỏ khí đốt Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Berlin đã áp dụng biện pháp phòng ngừa để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Đức có thể đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại và sẵn sàng đối phó với khả năng không còn nguồn cung khí đốt từ Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10/9 cho biết.
“Chúng ta đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng, ví dụ như không còn nguồn cung khí đốt từ Nga nữa”, ông Scholz nói.
“Chúng ta đã xây dựng các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía bắc. Chúng ta đang tiết kiệm khí đốt. Chúng ta một lần nữa sử dụng năng lực sản xuất của các nhà máy điện than”, ông Scholz nói, theo RT. “Đầu năm tới, chúng ta sẽ vẫn sử dụng các nhà máy điện hạt nhân còn lại ở phía nam… Chúng ta đã triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho những người gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng này”.
Ông Scholz để ngỏ khả năng Đức sẽ không cần tới nguồn khí đốt từ Nga vào năm sau. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt hàng năm của Đức.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trầm trọng hơn kể từ tuần trước, khi Nga ngừng bơm khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Steam 1. Moscow tuyên bố cắt nguồn cung “vô thời hạn” cho đến khi phương Tây đảo ngược các lệnh trừng phạt.
Ở thời điểm hiện tại, khí đốt từ Nga vẫn được bơm tới Đức và một số nước châu Âu qua đường ống mà Ukraine làm trung gian, nhưng lưu lượng rất thấp.
Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này đã lấp đầy khoảng 87%. Mỗi ngày khối lượng dữ trữ tăng khoảng 0,5%, dự kiến Đức sẽ đạt mục tiêu dự trữ 95% vào ngày 1/11 tới.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov nói mùa đông sắp đến sẽ chứng minh niềm tin của châu Âu vào khả năng từ bỏ khí đốt của Nga.
Giới chuyên gia đồn đoán Nga có thể bơm trở lại khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 vào mùa đông để tối ưu hóa lợi nhuận nếu như nhu cầu khí đốt đột ngột tăng vọt ở châu Âu.
Ngoại trưởng Hungary - ông Peter Szijjarto nói rằng việc áp giá trần khí đốt Nga đi ngược lại lợi ích của cả châu Âu và Hungary.
Nguồn: [Link nguồn]