Đức được thanh toán tiền mua khí đốt bằng euro: Nga hưởng lợi ra sao?
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30.3 nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Berlin vẫn có thể thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng euro hoặc đô la.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hôm 23.3 Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu phương Tây phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp thay vì euro hay đô la. 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu hiện do Nga đáp ứng và điều này chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Trong cuộc điện đàm ngày 30.3 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Putin nói Đức vẫn có thể thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la, sau đó quy đổi ra đồng rúp qua Gazprombank của Nga - ngân hàng không nằm trong danh sách cấm vận của phương Tây.
Thông điệp của ông Putin thoạt đầu được hiểu như động thái “xuống nước” với Đức, khi Berlin cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp.
Nhưng trên thực tế, đây là cách Nga "lách" cấm vận để vừa không vi phạm hợp đồng khí đốt đã ký kết, vừa buộc phương Tây phải “tuân theo luật chơi của Nga”.
“Chỉ đồng tiền thanh toán thay đổi, còn hợp đồng thì không”, một nguồn tin am hiểu vấn đề nói trên Reuters. Cụ thể, hợp đồng thanh toán khí đốt sẽ được tính theo tỉ giá rúp/euro do ngân hàng trung ương Nga quyết định.
Trước xung đột Ukraine, tỉ giá đồng rúp luôn giữ ở mức 75-85 rúp/USD. Nhưng sau khi chiến sự nổ ra, đồng rúp giảm giá mạnh, có lúc ở mức 142 rúp/USD, gây bất ổn lớn đối với Nga.
Đến ngày 31.3, tỉ giá duy trì ở mức 83 rúp/USD, nghĩa là quay về mức tương đương trước khi phương Tây áp đặt cấm vận.
Bằng cách buộc phương Tây phải thanh toán khi đốt theo tỉ giá rúp/euro hoặc rúp/USD, ông Putin đã tạo ra nhu cầu với đồng rúp, từ đó làm tăng giá trị đồng tiền Nga, theo India Today.
Việc quy đổi tỉ giá đem lại lợi ích cho Nga, nhưng gây bất lợi cho phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trấn an Thủ tướng Đức, rằng Berlin không bị thiệt thòi đối với các hợp đồng khí đốt đã ký kết.
Về lâu dài, các nước phương Tây có thể phải tính tới việc bán hàng hóa cho Nga để đổi lấy đồng rúp, từ đó thanh toán tiền mua khí đốt dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí hơn, theo India Today.
Đề xuất của ông Putin mới chỉ là một giải pháp và chưa được Đức đồng ý. “Chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng, mọi chuyện vẫn đang được thảo luận”, một nguồn tin tham gia soạn thảo kế hoạch thanh toán khí đốt của Đức với Nga, nói trên Reuters.
Trong trường hợp Đức và phương Tây vẫn không chấp nhận, các giao dịch có thể sẽ phải quy đổi sang một đồng tiền thứ ba, rất có thể là nhân dân tệ, theo India Today.
Trung Quốc hoàn toàn có thể đóng vai trò trung gian do nước này có giao dịch làm ăn với phương Tây bằng euro hoặc đô la, và cũng có giao dịch với Nga bằng đồng rúp.
Phương Tây khi đó sẽ thanh toán tiền mua khí đốt qua trung gian là Trung Quốc và Trung Quốc thanh toán lại với Nga.
Nếu điều này xảy ra, Mỹ cũng bị ảnh hưởng do hệ thống tài chính toàn cầu giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la, theo India Today.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 30.3 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bày tỏ quan ngại về hợp đồng khí đốt, khi Nga yêu cầu phương Tây phải thanh toán...