Đức: Dùng kính thực tế ảo bắt tội phạm từ thời phát xít
Các công tố viên và cảnh sát Đức đã phát triển thành công công nghệ kính 3D thực tế ảo giúp bắt giữ những tên tội phạm chiến tranh cuối cùng còn sót lại từ cách đây 7 thập kỷ.
Kính mắt của những nạn nhân ở trại Auschwitz.
Công nghệ thực tế ảo được sử dụng ở trại tập trung Auschwitz, nơi được xem là mồ chôn của hơn một triệu người thời phát xít Đức. Nỗ lực này là một trong những biện pháp của hệ thống tư pháp Đức nhằm xử lý những tội trạng chống lại loài người gây ra cách đây 70 năm.
“Nhiều nghi phạm nói rằng họ làm ở tại Auschiwitz nhưng không biết chuyện gì thực sự diễn ra”, Jens Rommel, người đứng đầu đơn vị điều tra tội phạm chiến tranh, nói.
“Về mặt pháp lý, câu hỏi rất rõ ràng: một nghi phạm có biết được người nào được đưa vào phòng khí độc hay bị bắn luôn hay không? Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) có thể trả lời thắc mắc này.
Công trình được chuyên gia xử lý hình ảnh số thuộc phòng hình sự bang Bavaria thiết kế. Ralf Breker, chủ nhiệm đề tài cho biết công nghệ thực tế ảo giúp mang lại những chi tiết sống động về trại tập trung của phát xít Đức cách đây 70 năm, nơi 1,1 triệu người bị giết hại.
“Theo tôi biết thì chưa hề có mô hình chuẩn nào dùng cho trại tập trung Auschwitz”, Breker, 43 tuổi, trả lời trên tờ Telegraph. “Công nghệ này chuẩn xác hơn Google Earth rất nhiều. Chúng ta có thể sử dụng kính thực tế ảo bán ngoài thị trường và xem được những chi tiết rõ ràng nhất”.
Khi gắn tai nghe, những công tố viên và thẩm phán sẽ có được cảm giác sống động như thật về thời kỳ trại tập trung Auschwitz thập niên 1940. Thậm chí cả những cái cây bị chặt cũng được mô phỏng như thật.
“Ưu điểm của mô hình này là chúng tôi có cái nhìn tổng thể hơn về khu trại tử thần và có thể tái hiện góc nhìn của những nghi phạm, chẳng hạn từ một tháp canh nào đó”, Breker nói.
Ý tưởng của công nghệ này được nhen nhóm với vụ việc của Johann Breyer, một thợ máy gốc Séc bị cáo buộc giết hại hơn 216.000 người Hungary gốc Do Thái ở trại Auschwitz. Các công tố viên điều tra dựa trên các công nghệ mô phỏng 3D sơ khai.
Tuy nhiên, Johann qua đời năm 89 tuổi hồi tháng 6.2014, chỉ vài giờ trước khi tòa án Mỹ chấp thuận dẫn độ tên này tới Đức để hầu tòa.
Hơn 1,1 triệu người đã bị giết hại ở trại tập trung Auschwitz.
Năm nay, công nghệ thực tế ảo hiện đại hơn được áp dụng với trường hợp của Reinhold Hanning, một kẻ bị cáo buộc giết hại 170.000 người và đang bị giam 5 năm tù.
Rommel, 44 tuổi cùng nhóm phát triển đang điều tra một số nghi phạm khác và tin rằng khoảng 20,30 tên tội phạm chiến tranh khác vẫn còn sống. Mục tiêu của Rommel là đưa những kẻ này ra vành móng ngựa.
Để tái tạo không gian của trại tập trung Auschwitz, Breker sử dụng các tư liệu từ phòng địa chính Warsaw và hơn một ngàn tấm ảnh hiện trường. Chính Breker cũng tới trại này hai lần trong năm 2013 để xử lý những chi tiết còn dang dở trong công nghệ thực tế ảo.
“Chúng tôi chỉ điều tra tội sát nhân. Khi tới hiện trường, những gì chúng tôi chứng kiến thật vô cùng khủng khiếp”, Breker chia sẻ. “Khi quay trở về khách sạn từ trại Auschwitz, tôi thấy rùng mình. Nhiều chi tiết được công bố thật sự rất đáng sợ”.
Breker cho biết từ tháng 5 đến tháng 7.1944, hơn 438.000 người Hungary gốc Do Thái đã bị chuyển tới trại Auschwitz-Birkenau. Toàn bộ số người này bị dồn vào phòng ngạt khí độc và thiêu xác do số lượng quá lớn, không chôn cất xuể.
“Những tên phát xít Đức còn xây hẳn một đường ống cống để lấy mỡ thừa từ những xác bị thiêu hủy. Số mỡ này dùng làm nhiên liệu đốt trong ngày hôm sau”, Breker nói. “Không còn lời nào diễn tả sự kinh hoàng này. Thật quá ghê tởm”.