Đức công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên, gọi tên đối thủ lớn nhất

Ngày 14/6, Đức công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên, trong đó gọi Trung Quốc là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống”, cáo buộc Bắc Kinh nhiều lần hành động đi ngược lợi ích Đức nhằm nỗ lực tái định hình trật tự thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2022. (Ảnh: Imo)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2022. (Ảnh: Imo)

Tài liệu được liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz soạn thảo chỉ trích Trung Quốc “gây sức ép ngày càng lớn” đối với ổn định khu vực và an ninh quốc tế, không tôn trọng quyền con người.

“Trung Quốc đang nỗ lực theo nhiều cách để sắp xếp trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay, khẳng định vị thế thống trị khu vực một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hành động hết lần này đến lần khác đi ngược lại lợi ích và giá trị của chúng ta", tài liệu chiến lược khẳng định.

Tuy nhiên, tài liệu cũng thừa nhận gã khổng lồ châu Á "vẫn là một đối tác cần thiết để giải quyết nhiều thách thức và khủng hoảng toàn cầu".

“Đó là lý do tại sao chúng ta phải nắm bắt các lựa chọn và cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực này”, tài liệu viết.

Chiến lược được công bố chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có chuyến thăm Berlin.

Khi được hỏi rằng tài liệu muốn gửi thông điệp gì đến Bắc Kinh, Thủ tướng Scholz cho biết tại một cuộc họp báo rằng “điểm mấu chốt là Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập vào thương mại toàn cầu, và các quan hệ kinh tế quốc tế của thế giới không nên bị cản trở”.

“Nhưng đồng thời, các vấn đề an ninh quốc gia nảy sinh đối với chúng ta cần được tính đến”, ông nói. Thủ tướng Đức khẳng định, Berlin không muốn “tách ra, mà muốn giảm rủi ro”.

Tài liệu chiến lược đề cập đến các cam kết quốc phòng như mức chi tiêu 2% GDP như tiêu chuẩn của NATO, an ninh chuỗi cung ứng và tấn công mạng.

Chiến lược cho rằng Nga “hiện tại là mối đe doạ đáng kể nhất đối với hoà bình và an ninh ở châu Âu – Đại Tây Dương”, chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Cuộc xung đột Ukraine khiến nước Đức bị tác động sâu sắc, buộc Berlin phải từ bỏ các chính sách hòa bình từ lâu để tái vũ trang mạnh mẽ cho quân đội của mình.

Xung đột cũng khiến Berlin phải đẩy nhanh các kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, sau khi đại dịch COVID-19 trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về những rủi ro khi phụ thuộc vào gã khổng lồ châu Á trong các mặt hàng thiết yếu.

Trong nhiều tháng qua, Đức bận rộn với việc đa dạng hóa hàng nhập khẩu hoặc đưa hoạt động sản xuất linh kiện quan trọng như chip bán dẫn quay về nước. Tuy nhiên, những hãng xuất khẩu lớn của Đức bày tỏ lo ngại về việc chuyển hướng khỏi Trung Quốc, sợ xa lánh thị trường khổng lồ này.

Trong một lời cảnh báo rõ ràng tới các công ty Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nhấn mạnh rằng Berlin sẽ không thể cứu những tập đoàn công nghiệp khổng lồ có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc nếu xảy ra khủng hoảng với Bắc Kinh.

Bà cho biết, trong những cuộc thảo luận với các công ty Đức, bà và Thủ tướng Scholz đã nhấn mạnh những bài học rút ra từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Đức nói về khả năng thay thế số xe tăng Leopard bị tổn thất ở Ukraine

Trong bối cảnh Ukraine đang liên tiếp hứng chịu tổn thất trong chiến dịch phản công, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã nêu quan điểm của Berlin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN