Đưa tiêm kích tàng hình tuần tra, Trung Quốc lộ rõ toan tính quân sự hóa ở Biển Đông

Việc Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này - tiêm kích tàng hình J-20 - tiến hành tuần tra ở Biển Đông được xem là bước leo thang mới trong toan tính quân sự hóa, đồng thời làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân cũng như quân sự tại vùng biển chiến lược đang có tranh chấp này.

Leo thang quân sự hóa Biển Đông

Không khỏi bất ngờ khi tờ Thời báo Hoàn cầu (một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - nhật báo lớn nhất và chính thức của Trung Quốc) đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này - máy bay tiêm kích tàng hình J-20, để tuần tra Biển Đông và biển Hoa Đông. Bất ngờ bởi xưa nay Trung Quốc thường tìm mọi cách giấu kín các hoạt động liên quan tới quân sự, song lần này lại tuyên bố công khai rằng, việc triển khai tiêm kích J-20 tuần tra trên 2 vùng biển trên nhằm mục đích “bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Thậm chí, giới chức cấp cao của Trung Quốc còn cho biết cụ thể trong một cuộc họp báo được tổ chức để thông báo về việc triển khai máy bay J-20 tuần tra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, rằng các hoạt động bay để “tuần tra chiến đấu” tại biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông. Hơn thế, các chuyến “tuần tra chiến đấu” và “tuần tra báo động” của loại máy bay chiến đấu hiện đại và uy lực nhất của Trung Quốc ở 2 vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra các đòi hỏi chủ quyền này còn trở thành các “hoạt động diễn tập theo thông lệ”.

Việc Trung Quốc triển khai tiêm kích tàng hình hiện đại nhất J-20 tuần tra ở Biển Đông là bước leo thang quân sự hóa làm thay đổi cán cân quân sự khu vực

Việc Trung Quốc triển khai tiêm kích tàng hình hiện đại nhất J-20 tuần tra ở Biển Đông là bước leo thang quân sự hóa làm thay đổi cán cân quân sự khu vực

Trung Quốc không thông tin rõ hơn về nội dung triển khai máy bay J-20 tuần tra ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, song giới quân sự cho rằng, thông thường các chuyến bay tuần tra, luyện tập của máy bay chiến đấu thường nhằm thực hiện 2 yêu cầu chính. Thứ nhất là để các phi công bay qua các khu vực có thể xảy ra các hoạt động tác chiến trong tương lai nhằm làm quen với điều kiện môi trường khu vực hoạt động được chỉ định và các điểm điều hướng chính. Thứ hai, để các phi công được huấn luyện sát thực tế các mô hình đối tượng trên không và trên biển cũng như vị trí, hình ảnh radar và dấu hiệu điện tử của các mục tiêu tiềm năng hiện diện trong khu vực mà Trung Quốc nhắm tới.

Máy bay tiêm kích tàng hình J-20 được chính thức biên chế vào lực lượng không quân Trung Quốc để đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu từ năm 2017. Với việc triển khai tiêm kích J-20 vào biên chế, Trung Quốc là một trong ba cường quốc thế giới có khả năng tự nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu tàng hình, cùng với Mỹ với các loại máy bay F-117 (hiện đã bị loại khỏi biên chế sau 25 năm hoạt động), B-2, F-22 và F-35; và Nga chỉ với duy nhất máy bay Su-57.

J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và là máy bay chiến đấu hiện đại nhất, uy lực nhất trong lực lượng không quân Trung Quốc hiện nay với khả năng tàng hình trước hệ thống radar phòng không của đối phương. Về kiểu dáng thiết kế, J-20 nhìn bên ngoài khá giống với F-22 nên nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc đã “sao chép” máy bay chiến đấu tàng hình này Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận điều này và cho biết máy bay tàng hình J-20 của nước này “là sự kết hợp giữa F-22 và F-35 của Mỹ”. Trung Quốc không công bố số lượng J-20 trong lực lượng không quân nước này, tuy nhiên giới quân sự quốc tế cho rằng hiện đã có 90 chiếc được bàn giao, trong khi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC, nơi sản xuất J-20) có khả năng bàn giao thêm ít nhất 1 chiếc mỗi tháng.

Phải chấm dứt việc quân sự hóa, leo thang căng thẳng

Việc Trung Quốc triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20 hiện đại nhất của nước này “tuần tra chiến đấu” tại biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông đang được các bên liên quan hết sức chú ý, quan tâm. Theo giới quân sự, những chiếc J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra chiến đấu trên Biển Đông xuất kích từ các căn cứ không quân ở miền Nam Trung Quốc và đây là “một diễn biến quan trọng”. Khác với hoạt động diễn tập có thể không mang theo vũ khí, khi tuần tra chiến đấu, máy bay luôn mang theo vũ khí và phi công trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Những chiếc J-20 đầu tiên được biên chế trong không quân Trung Quốc được trang bị động cơ dòng Saturn AL-31FN do Nga sản xuất. Động cơ này vốn được trang bị cho máy bay Su-35 của Nga, dòng máy bay chiến đấu thuộc thế hệ 4++, vừa thiếu sức mạnh vừa hạn chế về khả năng tàng hình khi so sánh với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như J-20.

Việc Trung Quốc triển khai J-20 tuần tra chiến đấu ở biển Hoa Đông và Biển Đông sau khi loại máy bay này được trang bị động cơ WS-15 do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo dựa trên một mẫu thiết kế của Nga. Loại động cơ này có sức mạnh lớn hơn Saturn AL-31FN và thích hợp hơn với khả năng tàng hình, cho phép J-20 bay thời gian dài với tốc độ siêu âm.

Rất đáng chú ý là trước khi bố việc triển khai máy bay J-20 “tuần tra chiến đấu” tại biển Hoa Đông và “tuần tra báo động” ở Biển Đông, giới chức quân sự Mỹ cho rằng, Trung Quốc cũng đã hoàn tất việc xây dựng các cơ sở quân sự trên 3 thực thể Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép. Trên 3 thực thể này có nhà chứa máy bay chiến đấu, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc cùng đường băng dài tới 3.000m, đủ khả năng cho các loại máy bay chiến đấu hạng nặng như J-20 cất/hạ cánh.

Thế nên, giới quân sự cho rằng, với việc xuất kích từ các căn cứ không quân ở miền Nam Trung Quốc, các chuyến tuần tra của máy bay J-20 hiện nay có thể chỉ bao phủ tới vùng trời thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu triển khai tới các sân bay trên các thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phạm vi hoạt động của tiêm kích tàng hình J-20 sẽ được mở rộng, bao phủ toàn bộ vùng trời của Biển Đông.

Đưa máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất vào hoạt động ở Biển Đông, Trung Quốc đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân không chỉ không quân mà cả cán cân quân sự nói chung trong khu vực. Các quốc gia trong khu vực vốn đã có sức mạnh quân sự thua xa Trung Quốc sẽ càng bị áp đảo hơn khi Trung Quốc triển khai tiêm kích J-20 tới Biển Đông.

Vì thế, dư luận và giới chuyên gia lo ngại sâu sắc, sự xuất hiện của loại máy bay tiêm kích tàng hình J-20 ở Biển Đông có nguy cơ khiến những căng thẳng của Trung Quốc với Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Philippines sẽ gia tăng. Bởi đây là thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 mà ngoài Trung Quốc ra thì không quốc gia, vùng lãnh thổ nào ở Biển Đông có loại máy bay chiến đấu hiện đại như vậy trong lực lượng không quân của mình.

Khi được hỏi về thông tin Trung Quốc đã hoàn thành việc quân sự hóa hoàn toàn các cấu trúc mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông cũng như gia tăng các hoạt động quân sự, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, việc thúc đẩy quân sự hoá trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hoá, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi, tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc cảnh báo: Mỹ đừng coi thường quyết tâm của Bắc Kinh về Đài Loan

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ nên đánh giá thấp quyết tâm hay năng lực của Trung Quốc trong bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN