Dù thế giới thiếu vắc-xin, Việt Nam vẫn được cam kết 150 triệu liều

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc-xin phòng chống COVID-19, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng số đã cam kết 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Lô 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được Nhật Bản chuyển cho Việt Nam ngày 16/6. (Ảnh: TTXVN)

Lô 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca được Nhật Bản chuyển cho Việt Nam ngày 16/6. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Ngoại giao cho biết, ngay từ những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và xuất hiện trong nước, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của nhân dân, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế về trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Những chuyến hàng tình nghĩa đó đã giúp nhân dân Việt Nam vượt qua nhiều làn sóng dịch, góp phần vào thành công của Việt Nam trong phòng chống COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những biến chuyển phức tạp, sự xuất hiện của những biến chủng mới với mức độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, Chính phủ Việt Nam đã xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vắc-xin và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là giải pháp quan trọng và cấp bách. Trên cơ sở đó, công tác “ngoại giao vắc-xin” đã được triển khai rất quyết liệt, khẩn trương với sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành.

Công tác “ngoại giao vắc-xin” trong những tháng qua đã đạt được những kết quả quan trọng rất đáng khích lệ. Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc-xin phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng số đã cam kết 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Đến nay, Việt Nam đã đón nhận hơn 8 triệu liều vắc-xin hỗ trợ từ các nước và các đối tác; trong đó có thông qua cơ chế COVAX khoảng 4,5 triệu liều, Mỹ 2 triệu liều nằm trong cơ chế trên, Nhật Bản 3 triệu liều, Trung Quốc 500.000 liều, Liên bang Nga tặng 1000 liều.

Các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới, nổi bật là COVAX phân bổ tiếp hơn 1 triệu liều, Mỹ hỗ trợ thêm 3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, Rumani tặng hơn 100 nghìn liều, Australia hỗ trợ 1,5 triệu liều.

Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Australia, Cuba, Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ UNICEF, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Campuchia, Ả-rập Xê-út.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đang được triển khai trên cả nước. Tính đến ngày 20/7, đã có hơn 4,3 triệu người được tiêm chủng trong đó có khoảng 4 triệu người tiêm mũi đầu tiên và hơn 300.000 người tiêm mũi thứ hai.

Đảng, Nhà, nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19.

Trong trao đổi, điện đàm, thư gửi Lãnh đạo các đối tác, Lãnh đạo Việt Nam đều bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc trước những nghĩa cử quý báu đó, coi đây là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế; thể hiện sự chia sẻ trong lúc khó khăn, quyết tâm cùng chung sức đồng lòng đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Về phần mình, Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chống lại dịch bệnh nguy hiểm này thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phòng chống dịch trong khả năng có thể cho nhân dân các nước, tận tình cứu chữa người nước ngoài mắc bệnh và đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ COVAX.

Nguồn: [Link nguồn]

Đã có lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên sản xuất ở Việt Nam

Ngày 21/7, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và công ty VABIOTECH của Việt Nam thông báo sản xuất xong lô thử nghiệm đầu tiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN