Dư luận Trung Quốc chia phe, tranh luận dữ dội vì Nhật ký Vũ Hán
Việc xuất bản cuốn Nhật ký Vũ Hán – câu chuyện cá nhân đầu tiên về cuộc sống của nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang) ở tâm dịch COVID-19 đầu tiên của thế giới, đang thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.
Nhà văn Phương Phương. (Ảnh: Weibo)
Giới chức nước này đang gây sức ép lên những trí thức ủng hộ nhà văn. Ít nhất 2 người đang bị điều tra vì có “bình luận không phù hợp”.
Ngày 26/4, Đại học (ĐH) Hồ Bắc thông báo sẽ điều tra Lương Diên Bình, một giáo sư ngành ngôn ngữ và văn chương của trường, đã đăng “phát biểu không phù hợp” trên mạng xã hội, một sự đề cập gián tiếp đến các bình luận của nhà nghiên cứu này trên mạng xã hội để ủng hộ nhà văn Phương Phương.
Bốn ngày sau đó, ĐH Hải Nam đưa ra thông báo tương tự đối với một giáo viên nghỉ hưu của trường tên là Wang Xiaoni. Thông báo không cho biết vi phạm của người này là gì, nhưng được đưa ra sau khi bà Phương đăng lại một trong những đoạn tweet của Wang về Lương Diên Bình.
Wang Xiaoni sau đó trở lại mục tiêu của các chỉ trích trên mạng, cáo buộc bà không yêu nước. Việc xuất bản cuốn Nhật ký Vũ Hán cũng vấp phải phản đối của các cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài.
Nhóm trên WeChat của một nhóm người Hoa sống ở Mỹ giải tán hồi tháng 3 sau khi các thành viên của nhóm trở nên mâu thuẫn về vấn đề này và không muốn nói chuyện với nhau nữa.
Tranh cãi về vấn đề này đang nóng bỏng trên mạng xã hội Trung Quốc. Hastag “Phương Phương” trên Weibo nhận được hơn 940 triệu lượt xem và 276.000 bình luận. Phần lớn những bình luận mới nhất tỏ thái độ thù địch với nhà văn.
Wang Haotian, một sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học ở Mỹ và là thành viên nhóm WeChat bị giải tán nói trên, ban đầu khen ngợi tác phẩm của bà Phương, cho rằng nó giống như tác phẩm của những phóng viên ở chiến trường.
Nhưng Wang thay đổi quan điểm sau khi bà Phương chỉ trích chính quyền Trung Quốc, quay sang so sánh bà với nhóm Hồng vệ binh – phong trào xã hội do sinh viên đi đầu trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá.
Wang nói rằng anh ta thay đổi quan điểm khi phát hiện những điều mà anh ta cho là không chính xác trong cuốn sách mà bà sắp xuất bản ở nước ngoài.
Ye Tao, 46 tuổi, một người bán hoa quả ở Thành Đô, nói rằng ông tức giận khi nghe tin Nhật ký Vũ Hán sẽ được xuất bản ở nước ngoài.
“Tôi cực kỳ khó chịu khi đọc lời giới thiệu phiên bản tiếng Anh của cuốn nhật ký trên mạng. Tôi không đồng ý với từng từ ngữ trong đó. Đó là tuyên bố của một kẻ phản bội”, Ye nói.
Ye cho rằng cuốn sách sẽ trở thành phương tiện để các nước phương Tây biện minh cho những cáo buộc rằng Trung Quốc xử lý dịch bệnh một cách sai lầm.
He Weheng, một sinh viên 19 tuổi ở Bắc Kinh, cho rằng người dân có thể chỉ trích chính phủ, nhưng phải đúng lúc.
“Đây không phải lúc phù hợp để chỉ trích chính phủ khi uy tín của nhà nước đang gặp nguy hiểm”, He nói. Sinh viên này cho rằng việc xuất bản Nhật ký Vũ Hán ở nước ngoài sẽ bị lợi dụng để làm bẩn hình ảnh của Trung Quốc.
He nói rằng cậu đọc thông tin qua các mạng xã hội WeChat và Baidu và không bao giờ dùng VPN để đọc các trang bị Trung Quốc chặn.
Bà Phương không phải người duy nhất bị tấn công. Michael Berry, người dịch cuốn sách sang tiếng Anh để xuất bản vào tháng sau, cũng hứng “gạch đá”.
Trong lời giới thiệu cuốn sách, hiệu sách trực tuyến Amazon viết rằng bà Phương đã lên tiếng chống lại bất công xã hội, lạm quyền và những vấn đề khác gây cản trở cho nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trong khi ca ngợi sự can đảm, bền bỉ và kiên trì của 9 triệu dân Vũ Hán.
Giới quan sát cho rằng làn sóng bắt nạt bà Phương và những người ủng hộ bà trên mạng xã hội cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc có thể gây phản ứng ngược.
“Nếu chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tăng tới mực cực đoan, trở thành tư tưởng bài ngoại, thì sẽ có hại cho hợp tác trong tương lai của Trung Quốc với thế giới”, báo SCMP dẫn lời ông Gu Su, giáo sư ngành triết học và chính trị tại ĐH Nam Kinh.
Chen Chun, một học giả độc lập ở Thâm Quyến, cho rằng Bắc Kinh đã đạt được một số thành công khi chiếm được cảm tình của nhiều người trẻ ở nước này bằng cách đề cao những thành tựu kinh tế.
Nhưng ông Chen cho rằng Bắc Kinh nên cẩn thận với tư tưởng dân tộc thái quá. “Nó nhắc tôi nhớ về một số giai đoạn khi chính phủ muốn sử dụng chủ nghĩa dân tộc vào mục đích chính trị, nhưng sau đó nhận ra rằng họ không thể kiểm soát nữa”, ông nói.
Đại dịch Covid-19, bệnh “khóc ra máu“ cùng một số mối nguy cận kề... đang khiến quốc gia này rơi vào tình cảnh khó khăn...
Nguồn: [Link nguồn]