Dữ liệu mới về Omicron ở Nam Phi, Anh, Đan Mạch cho thấy điều gì?
Dữ liệu ban đầu ở một số quốc gia cho thấy, biến thể Omicron "nhắm" tới một nhóm đối tượng cụ thể.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Phần lớn các ca nhiễm biến thể Omicron là những người trẻ, khỏe và thậm chí cả người đã tiêm chủng, theo dữ liệu ban đầu của một số nước, trong đó có Nam Phi, Anh, Đan Mạch.
"Nhìn chung, các ca nhiễm ban đầu của biến thể Omicron thường là người tương đối trẻ, khỏe mạnh và đã được tiêm chủng", tiến sĩ Catherine Smallwood, một nhân viên cấp cao tại Văn phòng châu Âu, thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chia sẻ với tờ Telegraph.
Tại Úc, bang New South Wales (NSW) ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên hôm 14/12, liên quan tới ổ dịch tại một hộp đêm ở thành phố cảng Newcastle. Hộp đêm là địa điểm yêu cầu người tới phải có chứng nhận về việc đã tiêm chủng đầy đủ (2 mũi). Tính tới, 14/12, hơn 93% người trên 16 tuổi ở bang NSW đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Đan Mạch, 70% trong tổng số 3.437 ca nhiễm biến thể Omicron là dưới 40 tuổi, theo dữ liệu mới công bố hôm 13/12.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cũng phát hiện 72% tổng số ca nhiễm Omicron trong khu vực là người dưới 40 tuổi. Ở Mỹ, phần lớn trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron, tính tới 13/12, là người dưới 40 tuổi. Nhiều trong số này đã tiêm chủng đầy đủ (2 mũi).
Dù có một số dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron có thể ảnh hưởng tới người đã tiêm chủng, nhưng các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên hoảng sợ khi đối phó với biến thể được tạm xem là có độc lực "nhẹ" hơn Delta.
"Omicron lây lan nhanh hơn Delta, nhưng độc lực và hậu quả nó tác động tới cơ thể kém hơn", Peter Collignon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học quốc gia Úc, chia sẻ với tờ Daily Telegraph. "Chúng ta nên xem nó như Delta nhưng cũng không nên lo sợ thái quá".
Dù vậy, tiến sĩ Catherine của WHO cho rằng, còn quá sớm để xác nhận liệu Omicron chỉ gây ra bệnh nhẹ hay không.
"Chúng ta không thể vội vàng đánh giá về mức độ nghiêm trọng của Omicron ngay lúc này. Các trường hợp nhiễm biến thể này phần lớn là người trẻ khỏe, di chuyển nhiều và đã được tiêm chủng. Chúng ta phải xem xét ảnh hưởng của Omicron với người già và những người dễ bị tổn thương để có đánh giá khách quan. Ngoài ra, thời điểm này vẫn chưa phải là lúc làn sóng lây nhiễm Omicron ở giai đoạn cao trào", tiến sĩ Catherine nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/12 xác nhận, Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan tới biến thể Omicron. Trước đó, 10 ca nhiễm biến thể này ở Anh đã phải nhập viện.
"Đáng buồn là có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã tử vong. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần tạm gác lại ý kiến cho rằng Omicron là một biến thể nhẹ và phải nhận ra tốc độ lây lan nhanh của nó. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm lúc này là tiêm mũi nhắc lại", Thủ tướng Anh nói.
Tiến sĩ Angelique Coetzee, bác sĩ Nam Phi đầu tiên cảnh báo về biến thể Omicron, từng tuyên bố rằng biến thể này dường như không quá nghiêm trọng và bày tỏ sự ngạc nhiên trước "phản ứng thái quá" của nhiều nước.
"Nếu như một số bằng chứng cho thấy Omicron là một biến thể lây lan nhanh nhưng chỉ gây ra triệu chứng nhẹ cho phần lớn người nhiễm, thì đây là một bước hữu ích giúp con người có miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này trong 2 tuần tới", Tiến sĩ Coetzee nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/12 đã xác nhận thông tin này trong bối cảnh Anh đang thực hiện chương trình tiêm nhắc lại...
Nguồn: [Link nguồn]