Trước thềm năm mới 2022, thế giới đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức bao gồm: Làn sóng đại dịch COVID-19 mới, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài, khủng hoảng nhân đạo, di cư hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Theo The Guardian, trong năm 2022, nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột mới giữa các quốc gia vẫn còn, thậm chí mọi thứ có thể trầm trọng hơn do sự phá vỡ trật tự quốc tế và sự phổ biến của các loại vũ khí nguy hiểm. Do đó, hãng tin nước Anh cho rằng, đối với thế giới, năm 2022 có thể sẽ là một năm hỗn loạn khác.
Các sự kiện ở Trung Đông sẽ tiếp tục là tiêu đề của báo chí trong năm 2022 bởi cả lý do tích cực cũng như tiêu cực. Nổi bật nhất là World Cup 2022, giải đấu sẽ khởi tranh tại Qatar vào tháng 11 năm tới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Ả Rập và một quốc gia Hồi giáo đăng cai tổ chức giải đấu bóng đá cấp thế giới này. Bởi vậy, World Cup 2022 được kỳ vọng sẽ trở thành một cơ hội quan trọng để vùng Vịnh phát triển kinh tế và du lịch trong tương lai, đồng thời mở ra các hình thức quản lý đất nước cởi mở hơn.
Dù vậy, tín hiệu lạc quan từ Qatar lại bị lu mờ bởi các cáo buộc tham nhũng - vốn đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Ngoài ra, cách đối xử với những người lao động nhập cư được trả lương thấp cũng là một điểm đáng chú ý khác ở khu vực này. The Guardian tiết lộ, ít nhất 6.500 công nhân đã thiệt mạng khi đang xây dựng bảy sân vận động, đường xá, khách sạn và một sân bay mới kể từ khi Qatar nhận được sự đồng ý từ FIFA vào năm 2010.
Một mối quan ngại khác được đề cập là thái độ của Qatar đối với quyền tự do ngôn luận và quyền của phụ nữ và cộng đồng người LGBTQ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hầu hết người hâm mộ bóng đá sẽ không tập trung vào những vấn đề này, do đó trong năm 2022, Qatar có thể trở thành một ví dụ điển hình về sự thành công nhờ thể thao.
Mặt khác, các chủ đề quen thuộc hơn sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của khu vực. Đáng chú ý là những băn khoăn về khả năng Israel và Mỹ thực hiện các hành động quân sự hoặc kinh tế mới để kiềm chế các nỗ lực của Iran liên quan tới chế tạo vũ khí hạt nhân - điều mà phía Tehran đã phủ nhận.
Các điểm nóng khác trong khu vực có thể bao gồm Lebanon - nơi đang đứng trên bờ vực thảm hoạ như Yemen vì bị chiến tranh tàn phá và Libya.
Tại Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể là quốc gia nhận được sự quan tâm lớn nhất của thế giới trong thời điểm đầu và cuối năm 2022. Trong đó, nước này sẽ đăng cai Olympic Mùa đông vào tháng 2 sắp tới tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quốc gia đã đưa ra những thái độ và tín hiệu khác nhau về sự kiện này. Bên cạnh đó, một sự kiện lớn khác diễn ra vào cuối năm tới tại Trung Quốc là Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ được dự đoán có thể sẽ tiếp tục trải qua một năm khó khăn. Trong đó, sự tín nhiệm của Thủ tướng Narendra Modi đã giảm sút do đại dịch và nền kinh tế trì trệ. Ngoài ra, ông còn bị chỉ trích sử dụng luật chống khủng bố để ngăn cản những người chỉ trích mình. Đảng BJP của ông trong năm 2022 sẽ phải cố gắng giành lại vị trí đã mất trong một chuỗi các cuộc bầu cử cấp bang. Chính sách của ông Modi về mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, tiêu biểu là liên minh Quad (Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Australia), cũng có thể sẽ được củng cố.
Ở những nơi khác trong khu vực, bạo lực ở Myanmar và tình cảnh tuyệt vọng của người dân Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản sẽ tiếp tục là chủ đề "nóng" của thế giới trong năm 2022. Afghanistan đang đứng trên bờ vực thảm họa do nạn đói hoành hành. Ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình lương thực Liên Hiệp Quốc nhận xét: "Chúng tôi đã thấy 23 triệu người đang làm mọi cách chống lại nạn đói. Sáu tháng tới, mọi thứ sẽ rất thảm khốc".
2022 sẽ là một năm quan trọng đối với châu Âu khi các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia đang phải đối mặt với sự chia rẽ căng thẳng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi về việc EU giải quyết tác động xã hội và kinh tế của đại dịch không hồi kết, di cư và những thách thức mới được đặt ra sau hội nghị về biến đối khí hậu COP-26 với các mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Về cơ bản hơn, châu Âu sẽ phải quyết định trong việc được coi như một tác nhân toàn cầu, hay sẽ nhượng bộ ảnh hưởng quốc tế cho những quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Vào mùa xuân tới, Pháp và Hungary sẽ tổ chức các cuộc bầu cử. Trong đó, Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron có thể sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy ông đang là người dẫn đầu trong số các ứng viên tổng thống. Tuy nhiên, ông Macron sẽ phải đối mặt với những thách thức từ đảng Cộng hòa trung hữu với ứng viên đại diện là bà Valérie Pécresse, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đảng bảo thủ.
Cùng trong năm 2022, các cuộc bầu cử khác sẽ lần lượt diễn ra ở Thụy Điển, Serbia và Áo.
Ngoài ra, việc Đức có nhà lãnh đạo mới là tân thủ tướng Olaf Scholz, cũng sẽ tạo ra nhiều thay đổi đáng kể với châu Âu trong năm 2022. Các vấn đề khởi phát khác tại châu Âu trong năm mới sẽ bao gồm căng thẳng biên giới Belarus và EU do dòng người di cư, rắc rối ly khai ở Bosnia-Herzegovina và Balkan.
Tuy EU đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc nhưng họ vẫn chưa có sự đồng thuận về cách cân bằng giữa kinh doanh và vấn đề nhân quyền. Trong khi đó, ở Anh, tình hình dịch bệnh và các vấn đề kinh tế có thể sẽ khiến những người bỏ phiếu cho Brexit hối hận.
The Guardian dự đoán mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ cũng sẽ gặp vấn đề trong năm 2022. Được biết, NATO đã mất đi sự tín nhiệm thời hậu Afghanistan và đang phải đối mặt với một năm khó khăn khi họ tìm kiếm một tổng thư ký mới. Cựu thủ tướng Anh Theresa May đã được nhắc đến như một ứng viên sáng giá cho vị trí này nhưng người Pháp có thể sẽ không muốn giao vị trí này cho một người Anh.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ là một trong những sự kiện nổi bật nhất tại Mỹ vào năm 2022. Trong đó, đảng Dân chủ sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn duy trì lợi thế của mình tại Quốc hội trước đảng Cộng hoà. Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể được xem như một cuộc chưng cầu dân ý về nửa đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, đảng Cộng hoà được cho là sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với tâm thế tự tin hơn. Nếu họ giành được kết quả tốt tại các bang chiến địa quan trọng, Guardian cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Vấn đề lớn nhất của Đảng Dân chủ trong năm 2022 có thể là sự chia rẽ trong nội bộ đảng, đặc biệt là tại Thượng viện. Sự chia rẽ này đã làm suy yếu các dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và chăm sóc xã hội của Tổng thống Biden.
Một số vấn đề khác nhất định sẽ được chú ý tại Mỹ bao gồm: Những tiến triển trong việc ngăn chặn đại dịch; nền kinh tế với lạm phát tăng cao; và các vấn đề xã hội gây chia rẽ như di cư, chủng tộc và quyền phá thai.
Đồng thời, trong năm 2022, các trọng tâm về tình hình nước sẽ tiếp tục tập trung vào bản thân ông chủ Nhà Trắng. Các câu hỏi xoay quanh khả năng tái tranh cử vào năm 2024, đồng thời tuổi tác, sự nhanh nhẹn về tinh thần và khả năng thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống đã nhiều lần được đề cập tới và sẽ tiếp tục được đặt ra trong tương lai. Xếp hạng tín nhiệm của ông Biden đã giảm 7 bậc vào giữa tháng 12 và điều khó có thể thay đổi trong năm mới.
Ngoài ra, áp lực từ những người di cư Trung Mỹ ở biên giới phía Nam đất nước có thể sẽ là một đề tài nóng tại quốc gia này trong năm tới.
COP-27, phần tiếp theo của hội nghị chống biến đổi khí hậu COP-26 Glasgow, sẽ được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11/2022. Hội nghị sẽ cung cấp các báo cáo tiến độ về việc thực hiện các cam kết của thế giới tại Glasgow về việc giảm lượng khí thải carbon và methane, ngừng phá rừng, giảm sản xuất than theo giai đoạn, cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và cung cấp tài chính để giảm thiểu tổn thất cũng như thiệt hại mà các nước nghèo phải gánh chịu.
Tuy nhiên, sẽ không thực tế khi mong đợi bất kỳ sự cải thiện nhanh chóng nào về vấn đề khí hậu toàn cầu trong năm 2022. Các sự kiện thời tiết cực đoan thuộc loại được ghi nhận trên toàn thế giới vào năm 2021 gồm hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, bão và nhiệt độ kỷ lục gần như chắc chắn sẽ lặp lại trong năm mới. Như trước đây, những tác động này sẽ gây tác động đặc biệt ở nhưng nơi nhạy cảm hơn trên thế giới, nhất là Nam Cực và Bắc Cực.
Cả hai vùng cực sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng trong các hoạt động của con người vào năm 2022. Trong đó, ở Nam Cực, ngày càng nhiều người có xu hướng du lực tới khu vực này. Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới đã và đang khai thác tài nguyên cũng như thiết lập thêm căn cứ quân sự tại Nam Cực.
Tương tự như vậy, hiện tượng băng tan ở Bắc Cực đã mở ra các tuyến đường biển thương mại và hải quân trên khắp thế giới. Greenland bị lãng quên từ lâu giờ đã trở thành “vùng đất vàng” mới cho các công ty khai thác và khoáng sản, đồng thời cũng được các nhà quy hoạch quốc phòng ngày càng quan tâm.
2022 cũng được dự đoán sẽ là một năm bận rộn liên quan đến vấn đề khám phá và cạnh tranh trên không gian. NASA đang chuẩn bị 18 nhiệm vụ riêng biệt vào năm tới khi họ tiếp tục thực hiện chuyến bay có người lái lên mặt trăng. Một trạm vũ trụ mới Gateway cũng đã được lên kế hoạch xây dựng.
Trong đó, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu lên kế hoạch gửi một sứ mệnh lên Sao Hỏa. Trung Quốc được cho là đang hy vọng sẽ có một trạm vũ trụ đầy đủ chức năng vào cuối năm tới. Trong khi đó, các kế hoạch du lịch vũ trụ do Nga và các công ty tư nhân như Richard Branson’s Virgin Galactic và Jeff Bezos’s Blue Origin tổ chức đang được triển khai.
Sự kiện đáng chú ý là một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong không gian có khả năng sẽ tăng tốc vào năm 2022. Trong đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang thử nghiệm các loại vũ khí mới, chẳng hạn như phương tiện bay siêu thanh trên quỹ đạo có khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ mọi nơi trên bầu trời.
NASA đang có kế hoạch làm chệch hướng một tiểu hành tinh khổng lồ vào tháng 9 bằng cách dàn dựng một vụ va chạm trực diện, sử dụng một tàu vũ trụ được phóng lên tên lửa do Elon Musk’s SpaceX chế tạo. Mỹ gọi đây là “phòng thủ hành tinh” - nhưng rõ ràng công nghệ này có các ứng dụng tấn công.
The Guardian nhận định một số người sẽ coi đây là sự tiến bộ của nhân loại nhưng những người khác có thể coi đó là bước lùi đáng kể.