Dự báo tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 và cách thế giới cần thay đổi để sống chung
Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2022, COVID-19 sẽ không còn là "đại dịch" nữa, mà được xem là bệnh đặc hữu. Việc phát triển các loại thuốc kháng virus sẽ giúp chúng ta sống chung với căn bệnh này.
Kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, vào ngày 17/11/2019, một trong những điều mà chúng ta học được đó là SARS-CoV-2 chưa bao giờ ngừng đột biến. Loại virus này liên tục khiến chúng ta bất ngờ, thậm chí là hoảng sợ. Các chuyên gia nhận định rằng COVID-19 sẽ có tác động đến chúng ta trong ít nhất vài năm tới.
Mới đây, tạp chí Today đã có bài viết đưa ra dự đoán của nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế, chuyên gia quản lý khủng hoảng, về đường đi và các tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2022, cũng như tư vấn giải pháp ngăn chặn, quản lý, hồi phục từ đa dạng tình huống khủng hoảng.
Năm 2022, các phương án miễn dịch và điều trị COVID-19 được cho là sẽ dễ tiếp cận hơn. Ảnh minh họa
Có nên lo lắng về biến chủng Omicron?
Biến chủng Omicron có đến 60 đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu, với tốc độ lây lan nhanh. WHO đã đánh giá Omicron là biến chủng "đáng lo ngại".
Ở Nam Phi, chỉ trong 5 ngày (từ ngày 29/11 tới 3/12), số ca nhiễm COVID-19 đã tăng gần 7 lần, lên tới hơn 16.000 ca/ngày. Đến 80% ca nhập viện là những người trẻ tuổi.
Nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn 3 lần so với Delta và Beta. Thậm chí một số nghiên cứu cho rằng, Omicron lây lan gấp 5-6 lần Delta. WHO ngày 12/12 cảnh báo biến chủng có lợi thế lây nhiễm vượt Delta, dễ trở thành chủng trội tại những nơi nó lưu hành.
Điểm đáng mừng là Omicron dường như gây triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn. Ở Nam Phi, nơi đầu tiên biến chủng xuất hiện, số người chuyển nặng ít. Đến nay, thế giới chỉ có một ca tử vong vì biến chủng, được ghi nhận tại Anh. Cả 1.686 ca mắc Omicron ở Liên minh châu Âu đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo còn quá sớm để kết luận Omicron không nguy hiểm. Tác động của biến chủng với dân số toàn cầu hiện vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.
Liệu chúng ta có cần thêm các mũi tiêm tăng cường COVID-19 không?
Mới đây, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Hoàng gia London (Anh) chỉ ra rằng việc phục hồi COVID-19 chỉ bảo vệ cơ thể chút ít trước biến thể Omicron.
Theo nghiên cứu công bố ngày 17/12, việc từng mắc COVID-19 có thể chỉ mang lại 19% khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Con số này tương đương với hiệu quả mà 2 mũi vaccine COVID-19 mang lại trước Omicron, tức khoảng 20%.
Trong khi đó, mũi vaccine tăng cường sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn, ước tính ngăn chặn được khoảng 55% đến 80% các trường hợp có triệu chứng.
Ông Azra Ghani, giáo sư tại trường, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về một chiến lược dài hạn, ví dụ như loại vaccine có thể hiệu quả đối với nhiều biến thể.
Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giáo sư Dịch tễ học và Y học tại Trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, dự đoán rằng chúng ta sẽ thấy "sự khác biệt" trong năm 2022, khi đó các quốc gia và cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ tìm ra hướng điều chỉnh và sẽ có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp.
"Tôi cảm thấy chúng ta sắp chứng kiến sự phân kỳ này diễn ra rất nhanh trước mắt chúng ta", bà El-Sadr nói.
“Thực tế, sự xuất hiện của các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh chóng khiến cho chúng ta hiểu được rằng, khi tất cả mọi người trên thế giới đều được tiêm phòng đầy đủ thì virus sẽ không còn chỗ để di chuyển”, ông Michael Gale, Giáo sư Miễn dịch học tại Đại học Y khoa Washington, nhận định.
Tiến sĩ Megan Ranney - Bác sĩ Y học cấp cứu và Phó hiệu trưởng về chiến lược và đổi mới tại Trường Brown cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng vào một thời điểm nào đó nếu virus tiếp tục đột biến, chúng ta sẽ cần một số phiên bản vaccine mới dành riêng cho các đột biến mới”.
Bên cạnh vaccine, sự xuất hiện của thuốc uống điều trị COVID-19 sẽ góp phần đáng kể giảm nguy cơ tử vong. Ảnh minh họa
Chúng ta sẽ cần đeo khẩu trang tới khi nào?
“Mang khẩu trang đồng loạt trong cộng đồng nhằm phòng chống COVID-19” lần đầu tiên đã được bình luận trên Tạp chí Lancet qua chuyên đề “Wearing face masks in the community during the COVID-19 pandemic: altruism and solidarity” (published online April 16, 2020).
Nhà dịch tễ học Shaun Truelove của Trường y tế công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết nếu COVID-19 thành bệnh theo mùa, việc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và trong không gian kín trong suốt mùa COVID-19 có thể sẽ thành tiêu chuẩn.
Một người khi mang khẩu trang thường là để bảo vệ bản thân mình, nhưng đồng thời còn một tác dụng quan trọng đối với sức khoẻ cộng đồng là bảo vệ người khác khỏi hít phải các giọt hô hấp của chính mình.
Lợi ích của việc mang khẩu trang hàng loạt cũng có thể được xem là biện pháp can thiệp mang lại lợi ích vừa phải cho cá nhân nhưng mang lại lợi ích lớn cho dân số. Mang khẩu trang có thể được so sánh với lái xe an toàn, người tham gia giao thông và người đi bộ đều được hưởng lợi từ việc lái xe an toàn.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã chính thức khuyến cáo nên sử dụng khẩu trang vải ở nơi công cộng và nhiều quốc gia khác như Canada, Hàn Quốc và Cộng hòa Séc đã yêu cầu công dân của họ phải mang khẩu trang ở nơi công cộng. Đã có những công trình đánh giá các bằng chứng ủng hộ việc mang khẩu trang hàng loạt trong đại dịch này.
Mang khẩu trang hàng loạt để kiểm soát nguồn lây nhiễm là một giải pháp bổ sung hữu ích với chi phí thấp bên cạnh việc giữ khoảng cách xã hội và vệ sinh tay trong đại dịch COVID-19.
“Những sinh mạng có thể được cứu bằng một thứ rất đơn giản, tôi nghĩ rằng có sức mạnh kỳ diệu trong những chiếc khẩu trang. Đó là thứ mà tôi chắc chắn nghĩ rằng chúng ta sẽ vẫn cần vào năm 2022 và thậm chí xa hơn thế nữa”, bà Shaun nói.
Thuốc kháng virus thể đóng vai trò gì vào năm 2022?
Cả Pfizer và Merck đều đang nghiên cứu các loại thuốc kháng SARS-CoV-2 nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19.
Mặc dù không có loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép hoặc phê duyệt ngay bây giờ, nhưng các chuyên gia dự đoán chúng sẽ sớm có mặt và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 của chúng ta.
Tiến sĩ Judith Currier, giáo sư y khoa thuộc bộ phận các bệnh truyền nhiễm của UCLA, nói với TODAY: “Thuốc đặc trị thực sự rất quan trọng. Nó sẽ giúp giảm số lượng bệnh nhân phải nhập viện, bao gồm những người lớn tuổi, những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nó đặc biệt cần thiết đối với những người chưa được tiêm chủng. Đây là một phần quan trọng để có thể tiến tới việc chung sống với COVID”.
Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn
Dịch COVID-19 đến nay đã có mặt ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: AP
Theo ông Jason Fullmer - Giám đốc điều hành Công ty máy in 3D Formlabs (Mỹ), “năm 2022, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động mạnh đến ngành sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Tình trạng kéo dài và thất thường về thời gian vận chuyển sẽ không sớm biến mất, đặc biệt nếu có nhiều biến thể nữa (của virus SARS-CoV-2) xuất hiện, có khả năng làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển và du lịch quốc tế.
Giải pháp cho các doanh nghiệp để đối phó với tình trạng này là ưu tiên nguồn lực để chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất của mình vững hơn cũng như đa dạng hơn, theo ông.
Trong năm 2022, khả năng các doanh nghiệp vẫn sẽ khó tuyển người. Theo bà Suky Sodhi - Chủ tịch Công ty tuyển chọn nhân sự Professional Selection, tới đây “nhân tài sẽ khó thu hút và giữ chân hơn” và “các công ty lớn cần phải chuẩn bị đối mặt với những đợt người lao động rời bỏ hàng loạt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực dịch còn nặng, tiêm chủng thấp.
Một bộ phận lo có thể bị nhiễm COVID-19 nếu tiếp tục đi làm, tiếp xúc nhiều người, bộ phận khác là những người từ chối tiêm vaccine và không đáp ứng được quy định của công ty, do đó buộc phải tìm kiếm các hình thức công việc khác.
Do đó, một trong những trọng tâm mà các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho năm 2022 là làm mọi cách để người lao động đi tiêm chủng, hoặc bắt buộc, hoặc có các biện pháp khuyến khích.
Bên cạnh đó, lời khuyên của bà Sodhi là các công ty nên tôn trọng quyền tự do lựa chọn của nhân viên - cả tiêm vaccine rồi vẫn sợ nhiễm lẫn không muốn tiêm vaccine - và cân nhắc cẩn thận chính sách của mình tương thích theo đó để giữ chân được người lao động.
Chúng ta có thể làm gì vào năm 2022 để giúp thực sự chấm dứt đại dịch?
Nếu chúng ta muốn đạt được bước tiến dài trong việc chấm dứt đại dịch một cách tốt đẹp, đầu tiên là giải quyết tình trạng nghi ngờ, do dự tiêm vaccine và các thông tin sai lệch về sức khỏe.
Đối với những người chưa muốn tiêm vaccine, việc được giải thích rõ ràng về cách thức hoạt động của vaccine có thể khiến họ cảm thấy thoải mái khi tiêm chủng.
Chúng ta cũng cần giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine trên toàn cầu, điều này sẽ cứu sống thế giới và giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới.
“Chắc chắn vaccine là một trong những công cụ quan trọng. Chúng ta có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh, nhập viện, bệnh nặng, giảm số người phải chăm sóc tích cực và số người đang hấp hối. Chúng ta có thể khiến COVID-19 không còn gây chết chóc nữa và cũng có thể giảm sự lây lan của nó", TS Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - chia sẻ.
Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về Omicron và cách virus có thể đột biến trong tương lai, nhưng các chuyên gia nhìn chung hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể đối với trạng thái bình thường mới vào năm 2022.
“Năm tới sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Gale nói, đồng thời lưu ý rằng cộng đồng khoa học đặc biệt tập trung vào việc quét tìm bất kỳ biến thể mới xuất hiện nào. "Chúng ta sẽ trở lại bình thường. Tôi không thể nói điều đó sẽ xảy ra vào ngày mai, nhưng tôi hy vọng năm 2022 sẽ ổn hơn nhiều so với năm 2021”.
Một biến thể Covid-19 mới chứa 46 đột biến ở gai protein (cấu trúc giúp virus xâm nhập cơ thể người) vừa được phát...
Nguồn: [Link nguồn]