Dự báo đường đi và tác động của đại dịch COVID-19 năm 2022

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Khả năng đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc trong năm 2022, vậy đường đi và tác động của cuộc khủng hoảng y tế này trong năm tới sẽ thế nào?

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã hai năm và với sự xuất hiện liên tục các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thì khả năng cuộc khủng hoảng y tế này sẽ chưa kết thúc trong năm 2022.

Tạp chí Forbes có bài viết đưa dự đoán của nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế, chuyên gia quản lý khủng hoảng về đường đi và các tác động của đại dịch COVID-19 trong năm tới, cũng như tư vấn giải pháp ngăn chặn, quản lý, hồi phục từ đa dạng tình huống khủng hoảng.

3,1% là mức tăng đoán tổng chi tiêu dược phẩm toàn thế giới trong năm 2022 so với năm nay, theo dự đoán của Công ty dịch vụ y tế Vizient (Mỹ). Trong đó lượng tăng lớn nhất là về thuốc điều trị ung thư (25%), tiếp theo là chi tiêu cho các liệu pháp dược phẩm liên quan phòng ngừa, điều trị COVID-19.

Sẽ lại có một làn sóng dịch mùa đông

TS Andrew Noymer, PGS về sức khỏe dân số và phòng chống bệnh tật của Chương trình Y tế công cộng Irvine thuộc ĐH California (Mỹ), dự đoán rằng thời điểm chuyển giao năm 2021 và 2022 sẽ lại có một làn sóng dịch mùa đông. Làn sóng dịch này sẽ ít nghiêm trọng và ít gây chết người hơn so với mùa đông 2020-2021, tuy nhiên ở nhiều nơi thì nó vẫn đáng ngại hơn cả làn sóng dịch do biến thể Delta gây ra mùa hè năm 2021. Theo ông, nhìn chung đại dịch sẽ không chấm dứt mà trở thành một sự “bình thường mới”, chỉ ở trạng thái giảm nhẹ hơn so với hiện nay.

Với điểm dịch nóng nhất thế giới - nước Mỹ, ông Harry Nelson, nhà sáng lập và đồng quản lý Công ty luật bảo hiểm y tế Nelson Hardiman, dự đoán riêng quốc gia này khả năng sẽ mất thêm 100.000 người vì COVID-19 trong năm 2022, chủ yếu là người chưa tiêm ngừa. Tỉ lệ tiêm vaccine ở Mỹ cũng chẳng tăng thêm được nhiều, từ mức 60% dân số hiện tại lên gần 70%.

Năm 2022, các phương án miễn dịch và điều trị COVID-19 sẽ dễ tiếp cận hơn. Ảnh: AP

Năm 2022, các phương án miễn dịch và điều trị COVID-19 sẽ dễ tiếp cận hơn. Ảnh: AP

Nhà y tế trưởng TP Arcadia thuộc quận Los Angeles, bang California (Mỹ) - TS-BS Rich Parker dự đoán năm 2022 sẽ vẫn chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm cao ở những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Những khu vực này cũng sẽ phải chịu tình trạng quá tải hệ thống y tế vì thiếu nhân lực, thiếu giường bệnh. Để giảm bớt tình trạng này, sẽ có thêm nhiều nơi áp quy định “nghĩa vụ tiêm chủng”.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn

Theo ông Jason Fullmer - Giám đốc điều hành Công ty máy in 3D Formlabs (Mỹ), “năm 2022, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động mạnh đến ngành sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Tình trạng kéo dài và thất thường về thời gian vận chuyển sẽ không sớm biến mất, đặc biệt nếu có nhiều biến thể nữa (của virus SARS-CoV-2) xuất hiện, có khả năng làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển và du lịch quốc tế.

Giải pháp cho các doanh nghiệp để đối phó với tình trạng này là ưu tiên nguồn lực để chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất của mình vững hơn cũng như đa dạng hơn, theo ông.

Năm tới, khả năng các doanh nghiệp vẫn sẽ khó tuyển người.Theo bà Suky Sodhi - Chủ tịch Công ty tuyển chọn nhân sự Professional Selection, tới đây “nhân tài sẽ khó thu hút và giữ chân hơn”; và “các công ty lớn cần phải chuẩn bị đối mặt với những đợt người lao động rời bỏ hàng loạt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực dịch còn nặng, tiêm chủng thấp.

Lý do chính liên quan đến vaccine, một bộ phận lo có thể bị nhiễm COVID-19 nếu tiếp tục đi làm, tiếp xúc nhiều người, bộ phận khác là những người từ chối tiêm vaccine và không đáp ứng được quy định của công ty, do đó buộc phải tìm kiếm các hình thức công việc khác.

Do đó, một trong những trọng tâm mà các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho năm 2022 là làm mọi cách để người lao động đi tiêm chủng, hoặc bắt buộc, hoặc có các biện pháp khuyến khích.

Bên cạnh đó, lời khuyên của bà Sodhi là các công ty nên tôn trọng quyền tự do lựa chọn của nhân viên - cả tiêm vaccine rồi vẫn sợ nhiễm lẫn không muốn tiêm vaccine - và cân nhắc cẩn thận chính sách của mình tương thích theo đó để giữ chân được người lao động.

Bà Sodhi cũng gợi ý một thực tế rằng “đây cũng là cơ hội tuyệt vời để các công ty xem xét bố trí làm việc từ xa cho các nhân viên hiện tại, cũng như tuyển mộ nhân sự chất lượng làm việc từ nước ngoài”.

Lời khuyên với các lãnh đạo doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới

Theo ông Harry Nelson - nhà sáng lập và đồng quản lý Công ty luật bảo hiểm y tế Nelson Hardiman, “điều tốt nhất các lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm là bình tĩnh để truyền thông điệp rằng COVID-19 sẽ ngày càng giống bệnh cúm và rủi ro với người đã tiêm ngừa là không cao”.

Ông Don Silver, Giám đốc điều hành công ty về quan hệ công chúng kỹ thuật số Boardroom PR (Mỹ), khuyên các doanh nghiệp theo dõi chặt dữ liệu về dịch và khuyến cáo từ cơ quan chức năng y tế, có kế hoạch thay thế theo tình huống dịch để đảm bảo mọi người luôn an toàn nhất có thể mà công việc vẫn chạy tốt.

Ông John Goodman, Tổng giám đốc Công ty quan hệ công chúng John Goodman PR, dự đoán với diễn biến đại dịch thế này, doanh nghiệp chưa thích nghi sẽ buộc phải thay đổi hình thức làm việc theo hướng linh hoạt hơn. Các công ty sẽ phải cải thiện phúc lợi để thu hút và giữ chân nhân viên.

Những doanh nghiệp vẫn “mắc kẹt với quá khứ” sẽ tiếp tục mất nhân tài vào tay các công ty chấp nhận hình thức công việc kết hợp hoặc làm việc từ xa với phúc lợi tốt hơn. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp phải ý thức và nhìn nhận thực tế rằng sống trong một thế giới có COVID-19 đã trở thành bình thường mới và từ đó “xoay trục”, nếu không muốn “đối mặt với hậu quả”.

Lý giải xu hướng ”đi ngược” của đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản

Trong khi nhiều nước châu Á đang chứng kiến sự gia tăng trở lại về số ca COVID-19, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN