Dự báo bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2023
Năm 2022, không ai có thể lường trước về cuộc xung đột Nga - Ukraine và những bất ổn của nền kinh tế thế giới. Năm 2023, dự báo thế giới sẽ tiếp tục phải “vật lộn” với những tác động về địa chính trị và an ninh; cuộc đấu tranh kiểm soát lạm phát; hỗn loạn trong thị trường năng lượng và phục hồi một cách không chắc chắn ở Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.
“Năm 2023 liệu thế giới có bình yên hơn?”
Trên Tạp chí Foreign Policy, bà Emma Ashford - thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson và ông Matthew Kroenig - Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương đã có cuộc tranh luận về chủ đề “Năm 2023 liệu thế giới có bình yên hơn?”.
Theo bà Emma Ashford, xung đột Nga - Ukraine rõ ràng là câu chuyện địa chính trị lớn nhất của năm 2022 và sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, có 25% khả năng là các nhà hoạch định chính sách sẽ thúc đẩy ít nhất một lệnh ngừng bắn vào năm 2023. Cái giá phải trả cho xung đột này đang vượt khỏi tầm kiểm soát đối với hầu hết mọi người, từ người Nga, châu Âu, người Mỹ và chắc chắn là cả người Ukraine. Thái độ của công chúng trên khắp châu Âu đang có xu hướng thúc đẩy giải quyết xung đột này. Cùng với cuộc xung đột nói trên, các xu hướng lớn khác từ năm 2022 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tiếp theo.
Khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang trở nên tồi tệ hơn. Lạm phát và tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với lương thực và nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến ngân sách đối với các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu, khả năng cao là sẽ khơi mào một vòng khủng hoảng nợ công mới. Bà Emma Ashford cũng cho biết, công cụ phân tích của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Tổ chức cố vấn về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ) cho thấy một số xu hướng quan trọng nhất cho năm 2023 - đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình trạng mất an ninh lương thực và mức nợ của các nước đang phát triển…
Trong khi đó, ông Matthew Kroenig chia sẻ, dự đoán của ông là xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục đến năm 2023, thậm chí có thể là năm 2024 và 2025. Sau gần 1 năm qua, có dấu hiệu là cuộc xung đột này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm. Vì thế, các Chính phủ phương Tây phải từ bỏ tâm lý ngắn hạn và áp dụng một chiến lược dài hạn cho tương lai của Ukraine. Thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương cũng bày tỏ quan ngại về Iran. Bên cạnh các cuộc biểu tình rầm rộ ở Iran vào cuối năm cùng thỏa thuận hạt nhân đã mất, quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày càng có xu hướng xung đột.
Nhà Trắng cho biết, “thời kỳ đột phá” của Iran (thời gian cần thiết để có thể sản xuất uranium cấp độ vũ khí) chỉ là vài tuần. “Tôi nghĩ, chúng ta sẽ nhìn lại năm 2023 như là năm Iran được trang bị vũ khí hạt nhân. Có vẻ như mọi thứ sẽ không yên bình hơn so với năm trước. Nhưng chúng ta đang ở một thời đại khác. Bởi năm 2022 khi nhìn lại giống như một trong những điểm xoay lịch sử. Đó là thời điểm đơn cực, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Và một số thứ khác đang bắt đầu” - ông Matthew Kroenig nói.
Chủ đề và xu hướng nổi bật
Cả thế giới cùng biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, phát triển thịnh vượng và bền vững, tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc
Nhận định về diễn biến tình hình thế giới năm 2023, Hãng tin Bloomberg cũng đưa ra một số chủ đề và xu hướng nổi bật như sau:
Mọi con mắt đổ dồn về Ukraine
Giá năng lượng, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế, tình trạng thiếu lương thực - tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới.
Một số điểm xung đột chớp nhoáng cần theo dõi
Sự tập trung cao độ vào xung đột Nga - Ukraine làm tăng nguy cơ với các điểm nóng khác. Có thể kể ra như bán đảo Đài Loan, căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc tại dãy Himalaya hay Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở đảo Aegean.
Suy thoái khó tránh khỏi
Các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái khi các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, hậu quả của đại dịch do giá năng lượng tăng cao. Suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ tương đối nhẹ, nhưng của châu Âu được dự báo sẽ nặng nề hơn. Tác động sẽ mang tính toàn cầu khi đồng đô la mạnh làm tổn thương các nước nghèo vốn đã bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng vọt.
Tỷ lệ lạc quan cho năm 2023 khá thấp trên toàn cầu
Chỉ 36% dân số Nhật Bản có hy vọng vào năm 2023. Hơn 87% người Anh tin rằng nền kinh tế năm tới sẽ tồi tệ hơn với lạm phát cao, bởi cho rằng giá cả sẽ cao hơn nhiều so với thu nhập thực tế. Khi nói về nền kinh tế và những điều tồi tệ, người Mỹ tin rằng năm 2023 là năm tồi tệ nhất mà họ sẽ chứng kiến. Trong khi mọi người hoài nghi về nền kinh tế, cho rằng lạm phát sẽ chạm trần, thì 2/3 trong số họ cũng tin rằng thất nghiệp cũng sẽ là một vấn đề lớn trong năm tới. Hơn nữa, người dân ở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia tin rằng năm 2023 sẽ là một năm nhiều thiên tai. Hơn một nửa dân số của tất cả các quốc gia này cho rằng năm 2023 sẽ xảy ra thảm họa thiên nhiên ít nhất một lần.
Chính sách năng lượng thay đổi
Vào năm 2023, thế giới vẫn sẽ phải vật lộn với thị trường dầu mỏ và khí đốt không ổn định, nhưng cũng sẽ nỗ lực gấp đôi để tạo ra một hệ thống năng lượng rẻ hơn, sạch hơn và an toàn hơn. Trong ngắn hạn, các nước sẽ chấp nhận đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm để đổi lấy an ninh. Về lâu dài, họ sẽ áp dụng chính sách đẩy nhanh quá trình xây dựng năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, hạt nhân, hydro…
Trung Quốc đạt đến đỉnh điểm phát triển?
Dự báo đến tháng 4-2023, dân số của Trung Quốc sẽ bị Ấn Độ vượt qua, vào khoảng 1,43 tỷ người. Với dân số Trung Quốc đang suy giảm và nền kinh tế đối mặt với những cơn gió ngược, giới chuyên gia băn khoăn liệu Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm phát triển hay chưa? Tăng trưởng chậm hơn có nghĩa là nền kinh tế của họ có thể không bao giờ vượt qua Mỹ về quy mô.
Nước Mỹ bị chia rẽ
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11-2022, Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Nhưng điều này không thể ngăn cản sự chia rẽ về văn hóa và xã hội như về vấn đề phá thai, súng và các vấn đề “nóng” khác tiếp tục gia tăng. Việc ông Donald Trump chính thức tham gia cuộc đua bầu cử Tổng thống năm 2024 sẽ đổ thêm dầu vào lửa trên chính trường Mỹ.
5 cuộc bầu cử đáng quan tâm
Đó là bầu cử ở Argentina, Nigeria, Pakistan, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi quốc gia đều mấp mé bờ vực của nền dân chủ. Như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ đối mặt với thách thức khó khăn nhất vào năm 2023, hay tại Pakistan, cựu Thủ tướng Imran Khan đang cố gắng giành lại quyền lực của mình…
Du lịch hồi phục
Dự báo khách du lịch bùng nổ sau phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Nhưng dù ngành Du lịch gần như sẽ lấy lại được mức doanh thu 1,4 nghìn tỷ USD của năm 2019 thì tỷ lệ thực tế sẽ thấp hơn do lạm phát đã đẩy giá cả lên cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm nay, Nhật tiếp tục giữ danh hiệu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, trong khi hộ chiếu Việt Nam tăng 4 bậc so với năm ngoái, theo chỉ số hộ chiếu Henley.