ĐT Việt Nam - Yemen: Kỳ tích của đối thủ phải đá bóng dưới trời tên lửa bay
Chuyện các cầu thủ Yemen chơi bóng trong khi tên lửa bay qua đầu không phải là lạ ở quốc gia này.
Cảnh đá bóng dưới trời đầy tên lửa bay ở Yemen
Đội tuyển Việt Nam ngày 16.1 chơi trận đấu quyết định tại bảng D vòng chung kết cúp vô địch châu Á (Asian Cup) gặp Yemen. Đội tuyển Việt Nam vẫn còn quyền tự quyết, trong khi đối thủ Yemen lọt vào Asian Cup đã là một kỳ tích. Đây được coi là cơ hội để thầy trò HLV Park Hang Seo giành 3 điểm và đoạt tấm vé đi tiếp vào vòng trong.
Bóng đá Yemen trong những năm qua chìm trong khó khăn vì xung đột quân sự kéo dài ở quốc gia này. Phiến quân Houthi thân Iran tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước, lật đổ chính quyền Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi vào năm 2015.
Không chấp nhận tình trạng này, quốc gia láng giềng Ả Rập Saudi đã mở chiến dịch quân sự nhằm vào phiến quân Houthi, cũng như ngầm hỗ trợ chính phủ Yemen. Chiến tranh kéo dài đến nay đã gần 4 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đến hồi kết.
Hồi tháng 8.2018, tờ Mirror đã đăng tải một đoạn clip quay trận bóng đá tại Yemen. Giữa lúc trận đấu diễn ra, một loạt tên lửa bay ngang qua sân bóng. Nhưng các cầu thủ vẫn thi đấu còn các cổ động viên ngồi xem như thể đây chuyện thường xảy ra ở Yemen.
Đất nước chìm trong khói lửa
Chiến tranh đã hủy hoại nặng nề đất nước Yemen.
Dưới sự chỉ huy của Thái tử Mohammed bin Salman, liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu cùng đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu phiến quân Houthi.
Các chính sách phong tỏa, thắt chặt nhập khẩu hàng hóa và giữ tiền lương của gần một triệu viên chức, đã trở thành gánh nặng trên lưng người dân. Nền kinh tế Yemen suy thoái khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Liên Hợp Quốc ước tính, 8 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực khẩn cấp để sống sót, và con số này sẽ sớm tăng lên 14 triệu, tương đương một nửa dân số Yemen.
Suy thoái kinh tế diễn ra ở khắp mọi nơi với mọi tầng lớp. Các giáo sư đại học bị nợ lương trở nên tuyệt vọng. Bác sĩ và giáo viên buộc phải bán vàng, đất đai hoặc xe hơi để có tiền nuôi sống gia đình.
Trên đường phố thủ đô Sana’a, Zahra Bajali, một người phụ nữ lớn tuổi, cầu xin bố thí từ người đi đường: “Cứu tôi, chồng tôi bị bệnh, tôi có nhà có thể cho thuê. Cứu với”.
Ở Yemen, đồng tiền riyal đã sụt giá chỉ còn một nửa trong năm ngoái, khiến hàng hóa đắt gấp đôi so với thời điểm trước chiến tranh. Hàng hóa khan hiếm khiến người Yemen tìm kiếm cái ăn còn khó khăn hơn là sở hữu tài sản.
Các cầu thủ bóng đá Yemen phải làm nhiều nghề để kiếm sống.
Nhưng bom đạn, khó khăn không ngăn bóng đá ngừng tồn tại ở Yemen. Hình ảnh các cầu thủ chơi bóng khi tên lửa bay qua đầu đã trở thành chuyện bình thường tại quốc gia này.
Các cầu thủ đội tuyển Yemen vẫn tập luyện, thậm chí còn giành quyền vào vòng chung kết Asian Cup 2019, dù đa phần trong số họ chỉ là các cầu thủ bán chuyên.
Một số cầu thủ may mắn được ra nước ngoài thi đấu ở giải bóng đá Qatar, Ai Cập. Nhưng đa số phải kiếm nghề khác để có tiền theo đuổi đam mê.
Chơi bóng ở Asian Cup là một giấc mơ
Người dân Yemen đã quen với hình ảnh các vận động viên thể thao, bao gồm cả các cầu thủ bóng đá, phải làm những nghề khác như lái xe bus, chạy xe ôm, bán hàng rong hoặc đi làm thuê. Cầu thủ Suleiman Hazam hàng ngày đứng ở ngoài đường rán khoai tây bán lấy tiền.
Osama Abdul-Jabbar, một tài năng trẻ của bóng đá Yemenbuồn bã nói: “Tất cả đã biến mất, môi trường bóng đá cũng như ước mơ sân cỏ. Bóng đá Yemen không có cơ hội phát triển vì không có giải quốc nội”.
Các cầu thủ Yemen thi đấu tại Asian Cup 2019.
Sống trong môi trường tràn ngập tiếng bom đạn cũng là một rủi ro lớn. Hai ngôi sao của Yemen là Ali Gharaba và Abdullah Aref bị các tay súng của phiến quân Houthi sát hại năm 2015.
Abdullah Al Bezaz, một tiền đạo Yemen có số má cũng chịu số phận tương tự với 3 viên đạn găm vào ngực. Khói lửa cũng phá hủy những di sản mà bóng đá Yemene gây dựng, đó là các sân bóng.
Sân vận động nổi tiếng nhất Yemen với 3 vạn chỗ ngồi, từng đăng cai Cúp Vùng Vịnh 2010, nay đã bị san phẳng.
Những sân bóng may mắn hơn ở gần thủ đô lại thuộc quyền kiểm soát của phiến quân Houthi, nên các cầu thủ Yemen không thể chơi bóng ở đây.
Nói với quãng thời gian thi đấu ở Asian Cup 2019, tiền đạo Yemen Ahmed Saeed Abdulrab nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự một giải đấu cấp châu lục. Dù điều gì xảy ra sau trận đấu cuối cùng, chúng tôi cũng có thể tự hào đã thực hiện được giấc mơ chơi bóng ở sân chơi châu lục".
Bóng đá được coi là tia sáng hiếm hoi của một đất nước đã chìm trong cấm vận quốc tế suốt gần 4 thập kỷ qua và...