Asian Cup VN - Iraq: Đối thủ từ bị cấm thi đấu quốc tế đến thắng VN đoạt ngôi vô địch
Bóng đá Iraq từng chìm trong chiến tranh, các cầu thủ phải thi đấu ở một quốc gia thứ ba, nhưng đã hồi sinh mạnh mẽ để lên ngôi vô địch châu Á năm 2007.
Uday Hussein (trái), người con trai từng nắm nền bóng đá Iraq của Saddam Hussein.
Đội tuyển Việt Nam ngày 8.1 sẽ có trận đấu đầu tiên gặp đội tuyển Iraq tại vòng chung kết cúp bóng đá châu Á 2019 (Asian Cup). Iraq là quốc gia chìm trong chiến tranh đến ngày nay và được coi là đối thủ vừa sức với các cầu thủ của HLV Park Hang Seo.
Ít người biết rằng nền bóng đá Iraq đã phải trải qua muôn vàn khó khăn kể từ thời Saddam Hussein, cho đến quãng thời gian chìm trong chiến tranh, để rồi bước lên đỉnh cao châu Á năm 2007.
Nền bóng đá trải qua muôn vàn khó khăn
Thành lập năm 1948, nhưng bóng đá Iraq chỉ lần đầu bước ra ngoài lãnh thổ vào năm 1957, với trận hòa 3-3 trước Morocco trong giải đấu Pan Arab Games ở Beirut, Liban. Cầu thủ sáng giá nhất của Iraq khi đó là Youra Eshaya đã chơi bóng ở Anh cho CLB Bristol Rovers.
Năm 1962, huấn luyện viên người Romania, Cornel Drăgușin trở thành “HLV ngoại” đàu tiên của Iraq. Chỉ hai năm sau, ông đã đưa đội tuyển Iraq lên ngôi vô địch cúp bóng đá quốc gia Ả Rập. Bóng đá Iraq bắt đầu giai đoạn khó khăn kể từ khi cuộc đảo chính năm 1968 xảy ra.
Cuộc đảo chính dẫn đến sự nắm quyền của đảng Ba’th mà sau này là nhà độc tài Saddam Hussein. Năm 1984, Iraq khơi mào chiến tranh với Iran, hàng ngàn thanh niên phải ra tiền tuyến, dẫn đến thương vong không thể nào khỏa lấp được.
Để xây dựng lại tinh thần quốc gia, Saddam giao cho con trai Uday nắm quyền ở liên đoàn bóng đá và ủy ban Olympic. Saddam tin rằng bóng đá sẽ là một trong những chìa khóa đưa tinh thần dân tộc quay trở lại ở Iraq, từ sân bóng tỏa ánh nắng cho đến các chiến hào trên sa mạc.
Người Iraq đặc biệt yêu thích bóng đá.
Tuy vậy, người con trai nổi tiếng cứng rắn của Saddam Hussein tạo nên một vết nhơ khó phai nhòa đối với bóng đá Iraq. Trong suốt khoảng thời gian tại vị, Uday liên tiếp dính đến những cáo buộc dàn xếp tỉ số, đe dọa, bắt cóc và tra tấn một loạt cầu thủ trong đội tuyển.
Theo Washington Post, năm 1997, Uday thậm chí còn đe dọa cả những nhà báo trong nước dám phanh phui bằng chứng liên quan đến việc tấn công tình dục đối với đội tuyển bóng đá nữ.
“Uday có một quyền lực bất khả xâm phạm, tất cả những ai chống lại đều biến mất, hoặc không có kết cục tốt đẹp”, Younis Mahmoud, huyền thoại bóng đá Iraq nhớ lại.
Các đội bóng phải chi tiền cho những thú vui của Uday, chỉ để đổi lại việc được yên ổn. Trước khi chính quyền Saddam sụp đổ, hàng loạt bằng chứng về hoạt động hối lộ và thao túng bóng đá của nhà Saddam được các tờ báo Anh Quốc như tờ The Guardian phát hiện vào năm 2002. Hội đồng Bóng đá Châu Á và FIFA đã ban hành lệnh cấm thi đấu quốc tế cho đội tuyển này như một đòn chí mạng giáng vào quyền lực độc tài tại đây.
Bước lên đỉnh cao châu lục
Năm 2003, Mỹ và liên quân mở chiến dịch lật đổ chính quyền Saddam Hussein, bóng đá Iraq nhờ vậy cũng được thoát khỏi xiềng xích. Bất chấp mối đe dọa của khủng bố và bất ổn thời hậu Saddam Hussein, người dân Iraq vẫn kiên trì theo đuổi tình yêu bóng đá.
Năm 2007, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ở quận Mansour, Baghdad khiến 30 cổ động viên thiệt mạng. Nhóm cổ động viên này khi đó đang ăn mừng thắng lợi của ĐTQG trước Hàn Quốc ở vòng bán kết Cúp châu Á.
Đội tuyển Iraq vô địch châu Á năm 2007.
Nhà báo Iraq Maher Hameed nói rằng, dù bạo lực hay khủng bố thì cũng không thể khiến người Iraq rời xa bóng đá. “Với họ thì bóng đá còn quan trọng hơn cả thức ăn, nước uống. Không gì có thể ngăn cản các trận đấu bóng đá diễn ra”
Tân chủ tịch liên đoàn bóng đá Iraq, cựu ngôi sao Hussein Saeed khi đó đã đặt ra mục tiêu phải đưa bóng đá Iraq trở về thời kì đỉnh cao như những năm 1960.
“Bóng đá sẽ kết nối dân tộc Iraq lại với nhau, bắt đầu từ Olympic sang năm và đỉnh cao Asian Cup sau đó”, Saeed phát biểu. Điều này phần nào thể hiện sự lột xác của bóng đá Iraq.
Năm 2004, đội tuyển Iraq được FIFA cho phép quay trở lại đấu trường châu lục. 3 năm sau đó, Iraq gây chấn động châu lục khi đánh bại cả những đối thủ sừng sỏ để lên ngôi vô địch Asian Cup.
Iraq đã thể hiện họ là đối thủ xứng tầm với đội tuyển Việt Nam.
Trong khuôn khổ Asian Cup 2007, đội tuyển Việt Nam cũng xuất sắc vượt qua vòng bảng. Trong trận tứ kết gặp Iraq, Việt Nam đã để thua nhà ĐKVĐ sau này với tỉ số 0-2.
Nói về trận chung kết quyết định gặp Ả Rập Saudi, Saeed nhớ lại. “Đó là một trận đấu mà tôi sẽ không thể nào quên”. Bàn thắng vàng của Younis Mahmoud đã chính thức đưa Iraq trở thành nhà vô địch châu Á.
Trong hai lần tham gia vòng chung kết Asian Cup 2011 và 2015, đội tuyển Iraq đều lần lượt lọt tới tứ kết và bán kết.
Có thể nói, Iraq đã cho thấy họ là đối thủ có quyết tâm và nỗ lực. Nhưng giới chuyên gia đều nhận định rằng đội tuyển Iraq sẽ không hề có một trận đấu dễ dàng trước một đội tuyển Việt Nam vừa vô địch AFF Cup.
Trong một xã hội trọng chiều cao như ở Hàn Quốc, người dân bị cuốn vào cuộc chạy đua để con em mình cao lớn hơn và...