Động thái nóng từ Trung Quốc, Mỹ liên quan cuộc chiến Nga-Ukraine
Xuất hiện diễn biến đáng chú ý từ cả Trung Quốc và Mỹ liên quan cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ngày 23-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Trước đó, vào ngày 19-4 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc “Trung Quốc chia sẻ các công cụ máy móc, bán dẫn và các mặt hàng khác có tính lưỡng dụng, giúp Nga tái thiết cơ sở công nghiệp quốc phòng”.
Ông Bliken nói rằng nỗ lực trên của Bắc Kinh gây ra "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”, theo hãng tin Reuters.
Trung Quốc đáp trả việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ảnh: REUTERS
Đáp lại, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 23-4, ông Uông nói: “Mỹ liên tục đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga, trong khi thông qua dự luật cung cấp gói viện trợ lớn cho Ukraine”.
Ông Uông gọi động thái của Mỹ “là đạo đức giả và rất vô trách nhiệm, và Trung Quốc kiên quyết bác bỏ điều này", theo nội dung cuộc họp báo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng quan điểm của Trung Quốc về Ukraine “là công bằng và khách quan".
“Chúng tôi đã làm việc tích cực để thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình và giải pháp chính trị. Chính phủ [Trung Quốc] giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng theo luật pháp và quy định” - ông Uông cho hay.
Về quan hệ với Nga, ông Uông lưu ý rằng Bắc Kinh có quyền “tiến hành trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga và các nước khác trên thế giới trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, không nên bị can thiệp hoặc gián đoạn”.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Wall Street Journal ngày 22-4 dẫn một số nguồn tin thân cận rằng Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt nhằm loại một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo các nguồn tin, Mỹ hy vọng rằng động thái trên sẽ đem lại đòn bẩy ngoại giao cho chuyến thăm của ông Blinken đến Trung Quốc tuần này nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với hoạt động sản xuất quân sự của Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết việc trừng phạt nhằm vào các ngân hàng là một lựa chọn leo thang trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao không thuyết phục được Bắc Kinh hạn chế việc xuất khẩu sang Nga.
Theo Reuters, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên.
Một quan chức tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, máy bay ném bom tàng hình tầm xa mới của Trung Quốc, Tây An H-20, “không thực sự” là mối lo ngại đối với Lầu Năm Góc.
Nguồn: [Link nguồn]